Truyền lửa qua “Một thời tuổi trẻ”

Từ năm 2011, mô hình sinh hoạt chính trị “Một thời tuổi trẻ” được duy trì tổ chức, trở thành nét riêng trong hoạt động Đoàn của quận 10.
Các nhân chứng lịch sử giao lưu trong chương trình “Một thời tuổi trẻ”
Các nhân chứng lịch sử giao lưu trong chương trình “Một thời tuổi trẻ”
“Trận chiến ngày càng ác liệt. Tận mắt chứng kiến đồng chí Út Viễn - đồng đội và cũng là người yêu - hy sinh khi vẫn đang giương súng, tôi đau lòng lắm. Nhưng lúc bấy giờ không có thời gian để khóc thương, tôi nói “Anh đã làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, anh hãy yên nghỉ, để em tiếp tục chiến đấu trả thù cho anh và đồng đội”, rồi vuốt mắt cho anh. Chúng tôi chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, cho đến lúc cả tổ hy sinh hết, còn mình tôi bị địch bắt sống”. Cả khán phòng lặng yên nghe cô Nguyễn Thị Hiền (bí danh Năm Lan) kể về trận đánh mà cô trực tiếp tham gia trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 
Cô Năm Lan nhắn gửi các bạn đoàn viên, thanh niên đang dự buổi giao lưu: “Thế hệ chúng tôi đã không tiếc máu xương giành độc lập cho dân tộc. Giờ đây, tương lai nằm ở trong tay các bạn. Hy vọng dù khó khăn gian khổ, các bạn cũng cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với nhân dân”.
Giáo dục truyền thống bằng chuyện kể
Buổi giao lưu với cô Nguyễn Thị Hiền là một trong những đợt sinh hoạt chính trị “Một thời tuổi trẻ” do Quận đoàn quận 10 (TPHCM) tổ chức. Kể về ý tưởng ra đời mô hình sinh hoạt này, anh Huỳnh Hữu Tài, Phó Bí thư Quận đoàn 10, cho biết: Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm ngày 27-7, trong chuỗi hoạt động tri ân các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Quận đoàn mời cựu thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người bị giặc Mỹ cưa chân 6 lần vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo) đến giao lưu với đoàn viên, thanh niên trong quận. Câu chuyện đấu tranh kiên cường, bất khuất cả về thể xác lẫn tinh thần của chú Thương giúp các bạn trẻ hiểu hơn sự hy sinh của thế hệ đi trước cho sự nghiệp cách mạng, thống nhất đất nước. 
Trước hiệu quả này, Ban chấp hành Quận đoàn 10 quyết định tiếp tục tổ chức nhiều buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử - những cô chú đã hiến trọn đời mình vì sự nghiệp cách mạng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia. Các bạn đoàn viên, thanh niên trong quận được nghe những câu chuyện bi tráng, hào hùng từ thiếu tá Nguyễn Văn Lanh (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người tham gia trực tiếp trong trận đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988, trước khi ngã xuống bất tỉnh do trúng đạn của lính Trung Quốc vẫn quấn lá cờ Tổ quốc vào người với quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ); chú Phạm Hồng Phi (cựu tù chính trị, người 3 lần vượt ngục từ nhà lao Cây Dừa - Phú Quốc); cô Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước, tham gia cách mạng, trải qua 11 năm trong các nhà tù của chế độ ngụy); cô Hoàng Thị Khánh (Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, bị bắt trong đợt Mậu Thân và bị đưa ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo)... Bạn Trần Phong Vũ chia sẻ: “Sau những buổi giao lưu, em và nhiều bạn đoàn viên, thanh niên rất nể phục, kính trọng sự dũng cảm của các cô chú; càng quyết tâm tiếp bước các cô chú đóng góp cho xã hội, cho địa phương đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn”.
Phát sóng trực tiếp trên Fanpage
Từ năm 2011, mô hình sinh hoạt chính trị “Một thời tuổi trẻ” được duy trì tổ chức, trở thành nét riêng trong hoạt động Đoàn của quận 10. Chương trình được tổ chức bài bản, ý nghĩa hơn khi những năm sau đó có sự phối hợp của Câu lạc bộ Cựu tù chính trị và tù binh, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến - hưu trí, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN Việt Nam quận 10. Từ năm 2015, mô hình nhân rộng xuống các Đoàn phường, đồng thời chương trình được tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần. Ngoài buổi giao lưu mang chủ đề “Một thời hoa đỏ” với các nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS 26-3 sẽ có buổi giao lưu với thủ lĩnh thanh niên quận 10 qua các thời kỳ, mang chủ đề “Tiếp lửa truyền thống”.
Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Thắm, nguyên Bí thư Quận đoàn 10, nay là Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ; anh Nguyễn Bắc Nam, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quận đoàn 10, nay là Trưởng ban Dân vận - Quận ủy quận 10... Một năm sau, mô hình sinh hoạt đầy ý nghĩa này tiếp tục được nhân rộng tại các Đoàn trường THPT trên địa bàn quận. Ngoài ra, Quận đoàn 10 ứng dụng công nghệ live stream, phát sóng trực tiếp trên trang Fanpage “Tuổi trẻ quận 10”, cho những bạn không có điều kiện tham dự các buổi giao lưu vẫn có thể theo dõi từ xa; đồng thời biên tập các bài viết, phóng sự, hình ảnh các gương giao lưu thành ấn phẩm điện tử “Một thời tuổi trẻ”, giới thiệu trên trang Fanpage “Tuổi trẻ quận 10” sau các chương trình giao lưu.
Qua 8 năm thực hiện, đến nay “Một thời tuổi trẻ” đã có 65 chương trình giao lưu với sự tham gia của 17.700 lượt đoàn viên thanh niên. Qua lời kể của các cô chú là nhân chứng lịch sử, các anh chị cựu cán bộ Đoàn, các bạn đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc nói chung và địa phương nói riêng, tiếp thêm ý chí, hoài bão, tinh thần cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu niên thời đại mới

Tin cùng chuyên mục