Từ bài học cũ tạo ra bước ngoặt phát triển mới

Từ bài học cũ tạo ra bước ngoặt phát triển mới

Bác Hồ nói: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Từ bài học cũ tạo ra bước ngoặt phát triển mới ảnh 1

CB-CS Trung đoàn tăng - thiết giáp 26 làm công tác dân vận tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa).

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên nhưng biết dân vận khéo nên đã giành được thắng lợi. Đảng ta lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược trong 30 năm đã thành công chủ yếu cũng nhờ khéo dân vận.

Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới xét cho cùng là do chủ trương hợp lòng dân, cán bộ đảng viên đã vận động được nhân dân thực hiện.

Tuy nhiên phải nhìn nhận một sự thật là công tác dân vận của Đảng vẫn chưa được chú trọng, dân chưa có niềm vui trọn vẹn vì lẽ:

- Một số chủ trương đề ra chưa hợp lòng dân, không thăm dò ý kiến của dân.

- Một số chủ trương đề ra đúng nhưng cách làm chưa tốt, không ít cán bộ đảng viên còn ham đặc quyền đặc lợi, còn quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

- Đảng chủ trương đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phát triển kinh tế chưa đi đôi với thực hiện được công bằng xã hội, tuy có lo xóa đói giảm nghèo nhưng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo chưa được thu hẹp, nhân dân trong đó số đông là công nhân và bà con lao động nghèo còn gặp quá nhiều khó khăn khi gặp cảnh đau ốm. Nhiều gia đình có con đi học phải chịu đóng góp rất nặng nề.

Việc tranh thủ được nhiều nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư để phát triển kinh tế là rất đúng, rất cần thiết, nhưng Đảng chưa thể hiện được sự gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động nghèo.

Nhớ lại tình hình Liên Xô, một cường quốc xã hội chủ nghĩa đã được công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cao nhưng đã phạm nhiều sai lầm để mất lòng dân, nên đã bị số người cơ hội lợi dụng sơ hở đó để lật đổ. Ngược lại, nước Cuba gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Đảng Cộng sản Cuba, đứng đầu là đồng chí Phiđen Castrô rất được lòng dân nên đã vượt qua mọi sóng gió. Đó là điều rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Một thành viên trong đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Khoa học và Y tế của Ủy ban Thường vụ Trung Quốc, trong chuyến thăm Cuba gần đây đã nói về “Màu sắc Cuba” như sau: Mặc dù nhiều đồ dùng sinh hoạt ở La Habana vẫn còn thực hiện chế độ cung cấp, trong thành phố rất ít thấy công trình mới xây dựng, rất nhiều công trình kiến trúc cổ kính ít được tu sửa, nhưng ở Cuba khoảng cách giàu nghèo rất thấp, cuộc sống của người dân rất vui tươi.

Tại một số đường phố ở Cuba vẫn thấy không ít người vẫy xe, bởi người Cuba có thói quen là nếu trên xe có chỗ trống là họ sẵn sàng cho người khác đi nhờ, xe công của nhà nước cũng vậy, nếu có chỗ trống cũng đều chở thêm những người đợi xe bên đường. Mặc dù trụ sở Bộ Y tế Cuba đã cũ nhưng mỗi năm Cuba vẫn dành khoảng 9% GDP để đầu tư cho sự nghiệp y tế công cộng. Kinh phí đầu tư cho giáo dục bình quân hàng năm cũng chiếm khoảng 11% GDP.

Tại Cuba, bình quân 10 triệu người có 69 ngàn bác sĩ, 82 ngàn giường bệnh, tức là 1.000 người có 6,2 bác sĩ và 7,9 giường bệnh. Tuổi thọ bình quân của người dân là 75 tuổi. Ở Cuba không có sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn, người dân đều được hưởng chế độ y tế công cộng suốt đời, hệ thống chăm sóc y tế gia đình đã phủ khắp toàn quốc. Những người mắc bệnh nhẹ thì đến bệnh viện công cộng ở khu vực.

Những người mắc bệnh nặng thì đến bệnh viện trung tâm. Quá trình điều trị và chi phí thuốc men đều được miễn phí. Nếu có nhu cầu nằm tại bệnh viện, ăn uống cũng được miễn phí. Tỷ lệ trẻ em đến trường ở Cuba đạt 100%. Sau khi hoàn thành giáo dục tiểu học 6 năm, 99% học sinh có thể học tiếp bậc trung học. Học sinh không chỉ được miễn toàn bộ chi phí học tập mà ngay cả đồng phục cũng được nhà nước cấp.

Ngoài y tế và giáo dục, một nhân tố quan trọng khác làm cho xã hội Cuba hài hòa và ổn định là chế độ đãi ngộ đối với các quan chức, rất khiêm tốn. Bộ trưởng các bộ và người đứng đầu các cơ quan ngang bộ thuộc chính phủ đều sống trong các căn hộ ở khu chung cư của nhà nước. Việc đi lại của các ủy viên Bộ Chính trị không có xe hộ tống để bảo vệ.

Do cán bộ lãnh đạo các cấp không có đặc quyền đặc lợi, quan hệ giữa nhân dân và cán bộ lãnh đạo các cấp đã thể hiện đầy đủ quan hệ đồng chí rất bình đẳng, toàn bộ xã hội hài hòa ổn định, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội có thể nhìn thấy ở mọi lúc, mọi nơi.

Từ tình hình ở Cuba như trên, các nhà quan sát đặt ra câu hỏi: Tại sao một đất nước Cuba còn khó khăn về kinh tế như vậy lại có thể thực hiện được nhiều tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội? Chúng ta đang  tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, thiết nghĩ cũng nên có câu hỏi như vậy, đồng thời tìm được lời giải đáp đúng đắn, sâu sắc.

Có như thế, mới có bước đột phá mới để phát triển đất nước. Bước đột phá bắt nguồn từ bài học rất cũ, bài học về dân vận, bài học giành cho được lòng dân, thể hiện ngày càng nhiều các tố chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.

TRẦN TRỌNG TÂN
 

 Dân vận

Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.

1- Nước ta là nước dân chủ:

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân

2- Dân vận là gì ?

Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho.

Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích của họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốác, khuyến khích dân.
Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

3- Ai phụ trách dân vận?

Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v…) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc.

- Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ giải quyết những điều khó khăn…

- Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với nhân dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ v.v…

Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.

4- Dân vận phải thế nào?

Những người phụ trách dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.
Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại.

Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Tin cùng chuyên mục