Từ bàn tay mẹ

Bài hát mà những đứa nhỏ trong gia đình tôi hay cùng nhau hát là Bàn tay mẹ - “Bàn tay mẹ, bế chúng con, bàn tay mẹ, chăm chúng con. Cơm con ăn, tay mẹ nấu, nước con uống tay mẹ đun… Từ tay mẹ, con lớn khôn”. Mà, bàn tay mẹ, thực tình còn làm nhiều điều tuyệt vời hơn thế.
Từ bàn tay mẹ
Chúng tôi đã lớn khôn từ những bàn tay ấm áp của mẹ

1. Mẹ tôi là con nhà nông. Lớn lên, sức khỏe mẹ yếu nên không phải bươn chải ruộng đồng như bà ngoại và các dì, các cậu. Mẹ tôi nói mẹ vụng nhất nhà, vậy mà cô gái vụng nhất nhà ấy ngày kia làm mẹ, bươn chải với đủ thứ nghề có tên lẫn không tên trong cuộc sống, với mục đích duy nhất của cuộc đời: Lo cho con bằng bè bằng bạn. 

Ngày mẹ còn đi làm ở Xí nghiệp giao thông 479, mỗi ngày phải đạp xe vào tận mỏ đá cách xa nhà hàng chục cây số để chấm công, theo dõi công nhân. Chiều muộn lại đạp xe về nhà, vẫn nuôi đàn gà, trồng vườn rau muống, giàn mướp, giàn bầu quanh gian nhà tập thể chỉ rộng không tới 20m2 và tối tối kèm con học bài. Mẹ kể về những ngày vất vả ấy với nụ cười luôn tươi hết cỡ trên môi, chỉ vì, ngày ấy trong đám trẻ khu nhà tập thể, con của mẹ có nước da trắng hồng, má tròn phúng phính, ai nhìn cũng ưa, dù lương mẹ chẳng nhiều nhặn gì. Đó là nhờ quanh năm có trứng gà để ăn, thi thoảng có gà để thịt. Rau đã sẵn trong vườn nhà, gạo, nếp, đậu lạc bà gửi xuống sau mỗi vụ mùa… để chị em chúng tôi hầu như không có ấn tượng về thời bao cấp khó khăn.

Thời khó khăn nhất với mấy mẹ con tôi là giữa những năm 1990, khi vừa xây xong ngôi nhà lại là lúc bố đi xuất khẩu lao động. Nhưng rồi ông làm ăn thất bát, trở về với hai bàn tay trắng. Lúc ấy, mẹ tôi đã về hưu sớm vì cơ quan rơi vào cảnh khó khăn, tinh giản biên chế. Lương hưu còi cọc vài đồng lại chẳng còn đất trống để mẹ trồng giàn bí giàn bầu, nuôi con gà con vịt tăng chất lượng bữa ăn cho con. Trong hoàn cảnh ấy, mẹ tôi, như nhiều người phụ nữ xứ Nghệ khác, giấu sự buồn phiền âu lo trong đáy mắt. Chú hàng xóm là người Nam Đàn, xuống Vinh lập nghiệp bằng đủ thứ nghề: bán ốc, làm kem, buôn ve chai… Chú nói với mẹ rằng, chỉ cần bác chịu làm, em chỉ cho bác cách kiếm tiền. Giàu nghèo có số, nhưng để kiếm tiền nuôi con là dư sức...  

Mẹ tôi bắt đầu nghề tay trái đầu tiên, sau bao năm làm công chức, là chở than tổ ong từ xưởng về đi bán, kiêm thu gom ve chai quanh xóm. Sọt than làm từ những thanh gỗ nhỏ, chú hàng xóm xin ở một xưởng gỗ sau lưng chợ Vinh và đóng lại, buộc chặt sau xe đạp cho mẹ. Một vài tháng, một hai năm sau, lượng khách của mẹ tăng dần. Sọt than không đủ sức chứa. Mẹ cùng bố mua một xe xích lô cỡ nhỏ để thay nhau cùng chở. Tôi vẫn nhớ như in những buổi đi học về, gặp dáng gầy của mẹ trên xe xích lô giữa đường mùa hè nắng nung, mùa đông quay quắt lạnh mà áo vẫn luôn ướt đầm mồ hôi.  

Mẹ chẳng mấy khi nhắc tôi chuyện học hành, nhưng như nhiều đứa nhỏ con nhà lao động nghèo xứ Nghệ khác, chúng tôi tự hiểu phải học vì mình mắc nợ một đời tảo tần của mẹ.

2. Mẹ của cậu bạn thân tôi vất vả hơn những bà mẹ khác khi bác bị hỏng hai mắt và là một bà mẹ đơn thân. Ngày đầu tiên đến nhà bạn, tôi ngạc nhiên khi nhìn những luống cà, luống rau xanh mướt mát trong vườn nhà. Lại thêm gà vịt nhặt nhạnh kiếm mồi bên vườn và đàn lợn ụt ịt thỏa mãn trong chuồng chừng như vừa được ăn no. “Cậu trồng được thế này á?”. “Không, “đại gia” của tớ trồng đấy” - cậu bạn, với sự hãnh diện không hề nhỏ, nhìn về phía mẹ mình nói.

Và dù tôi vốn được xem là đứa có khiếu văn chương từ nhỏ, vẫn không thể tưởng tượng được vì sao người mẹ khiếm thị lại có thể trồng được những luống rau trái tốt bời bời thế kia. Có lần thắc mắc với cậu bạn, cậu tếu táo nói: “Ơ hay, trồng bằng tay chứ có trồng bằng mắt đâu”, và phá lên cười. Kỳ thực, mẹ cậu biết trồng rau từ nhỏ, mấy chục năm trước, những ngày mắt chưa mờ. Giờ mắt mẹ đã mờ hẳn, nhưng những hàng những lối vườn nhà, những loại rau, loại cây khác nhau thì nhất định mẹ vẫn nhớ. Nhớ để trồng, để chăm những luống rau, những đàn gà mà có tiền nuôi con trưởng thành, khôn lớn.

Rau mẹ trồng luôn được mẹ bó lại cẩn thận thành từng bó nhỏ, bỏ vào sọt trước nhà. Cậu bạn đi học về, vội vã kéo sọt rau buộc ra sau xe, đạp vù ra chợ Quang Trung bán lấy tiền mua gạo, mua thức ăn. Số tiền còn lại đưa gửi mẹ dành dụm đóng tiền học, mua sách vở, áo quần… Trong nhà toàn những thứ đồ dùng tối giản nhất có thể. Sau lần tới thăm nhà bạn, tôi về nói với mẹ: Mẹ ạ, nhà mình nghèo mà nhà H. còn nghèo hơn cả nhà mình. Vậy mà cậu bạn vẫn luôn là học sinh giỏi cấp tỉnh, nhận nhiều học bổng vượt khó.

Cậu bạn tôi ngày ấy giờ là một trong những thiếu tá công tác tại Quân khu 4 được nhiều người quý mến. Vườn nhà bạn vẫn nhiều rau xanh quả ngọt mẹ bạn trồng, nhưng không còn mang ra chợ mà để ở nhà cho con cháu có thực phẩm sạch, không phải âu lo về thuốc trừ sâu, hóa chất, ngon miệng hơn với mâm cơm của mẹ.

Có nhiều người con xứ Nghệ lớn lên từ những bàn tay tảo tần của mẹ như bạn, như tôi. Để trên đường đời, dẫu nhiều chông gai, vấp váp, chúng tôi vẫn luôn thấy mình có một điểm tựa dịu dàng: Từ bàn tay mẹ.

Tin cùng chuyên mục