Từ đề xuất của Báo Sài Gòn Giải Phóng…

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trên cả nước đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 11-11, cả nước đã có hơn 22.760 ca tử vong do dịch bệnh, trong đó TPHCM có hơn 17.500 ca. Rất nhiều gia đình, họ hàng không thể nhìn mặt người thân lần cuối; hàng ngàn trẻ em phút chốc mồ côi…
Ông Siu Thanh Bình (53 tuổi, ngụ Đồng Nai) cùng cháu trai thắp nhang cho vợ - bà ngoại sau khi nhận tro cốt từ lực lượng vũ trang TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Siu Thanh Bình (53 tuổi, ngụ Đồng Nai) cùng cháu trai thắp nhang cho vợ - bà ngoại sau khi nhận tro cốt từ lực lượng vũ trang TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 4-10, tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các đại biểu đã tiến hành tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19. Trước đó, sáng 24-8, trong kỳ họp thứ 2 của HĐND TPHCM khóa X, sau lễ chào cờ khai mạc, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các bệnh nhân Covid-19 qua đời trên địa bàn TPHCM. Phút tưởng niệm nạn nhân Covid-19 cũng đã diễn ra trong nhiều hoạt động khác tại TPHCM và trên cả nước.

Nhằm góp phần xoa dịu niềm đau và những mất mát, tổn thương do dịch Covid-19, động viên tinh thần những người đang sống và tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, ngày 6-10, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đề xuất có ngày tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19. Sau khi đăng tải đề xuất, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, đồng thuận, góp ý của nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, là người đầu tiên bày tỏ sự đồng thuận và chia sẻ với đề xuất của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, trong nền văn hóa châu Á nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, dẫu người thân qua đời đã lâu, thậm chí nhiều thập niên nhưng người còn sống vẫn tưởng niệm hằng năm nhân dịp lễ tết, lễ Thanh minh, lễ giỗ và tháng bảy âm lịch. Nói cách khác, đối với hàng triệu người Việt Nam, chăm sóc chu toàn cho người chết cũng là cách góp phần làm cho người sống được an yên, hạnh phúc. Đồng thuận với Thượng tọa Thích Nhật Từ,  GS-VS-TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất - không sớm quá, không muộn quá - để đặt ra vấn đề chọn ra một ngày để tưởng niệm hàng năm, cho đồng bào Việt Nam cũng như TPHCM đã tử vong vì Covid-19. 

Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến từ thân nhân đồng bào đã tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch Covid-19, văn nghệ sĩ, lực lượng tình nguyện, y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch... Đa số các ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận cần có một ngày để tưởng nhớ người đã mất. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự mến phục đối với sự quên mình của cán bộ, chiến sĩ và cán bộ ở cấp cơ sở. Thông qua Báo SGGP Online http://www.sggp.org.vn, nhiều bạn đọc còn góp ý thêm về cách thức tổ chức, nhất là việc xây dựng tượng đài như thế nào cho trang nghiêm.

Ngày 12-10, tại buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi lời chia sẻ tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM về những mất mát, đau thương mà TPHCM gánh chịu trong đại dịch. Chủ tịch nước cũng bày tỏ cần có hình thức tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã mất trong đại dịch Covid-19 cho phù hợp.

Tại kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, phát biểu trong các phiên thảo luận và trên diễn đàn Quốc hội, nhiều vị ĐBQH đã đồng tình, đề xuất Quốc hội, Chính phủ nên chọn một ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 vì đây cũng là mong muốn của cử tri.

Tin cùng chuyên mục