Tự in hóa đơn theo quy định mới - “Mở cửa” cho doanh nghiệp trốn thuế?

Nếu trước đây, việc quản lý hóa đơn chặt chẽ bao nhiêu, nay quy định mới lại “mở” bấy nhiêu. Câu hỏi đặt ra vì sao trước đây cơ quan thuế quản lý từng tờ hóa đơn, nay Nghị định 51/CP lại cho phép doanh nghiệp (DN) được quyền tự in, đặt in hóa đơn?

Nếu trước đây, việc quản lý hóa đơn chặt chẽ bao nhiêu, nay quy định mới lại “mở” bấy nhiêu. Câu hỏi đặt ra vì sao trước đây cơ quan thuế quản lý từng tờ hóa đơn, nay Nghị định 51/CP lại cho phép doanh nghiệp (DN) được quyền tự in, đặt in hóa đơn?

Gian lận hóa đơn

Việc DN in trùng số sê-ri để xuất hóa đơn đối phó nhưng sau đó không khai báo thuế đã từng được cơ quan thuế Hà Nội phát hiện và xử lý. Tình trạng này không còn lạ ở nhiều nơi. Bởi phần đông người tiêu dùng trên thị trường không cần hóa đơn, nếu có nhận hóa đơn cũng không hạch toán vào đâu được. Do vậy, chỉ cần DN bán hàng in hóa đơn cho những khách hàng không phải DN trên những số hóa đơn trùng rồi sau đó không khai báo thuế những hóa đơn đó là có thể giấu được doanh số và “ẵm” luôn phần thuế GTGT mà người dân đã nộp thông qua giá bán hàng hóa. Với cách làm này, DN có thể đối phó với cán bộ thuế - vì khi cán bộ kiểm tra thấy DN có xuất hóa đơn rõ ràng, nhưng thực ra những hóa đơn đó không được DN bán hàng báo cáo thuế. Cơ quan thuế rất khó phát hiện do người mua là khách hàng cá nhân, mà khách hàng cá nhân thì không khai thuế, hoàn thuế nên cán bộ không có cơ sở để đối chiếu, phát hiện số trùng.

Ngoài ra, DN còn sử dụng chiêu bán hàng nhưng chỉ ghi vào hóa đơn tên mặt hàng, không ghi mã số hàng hóa, ký hiệu hàng hóa để phân biệt từng sản phẩm. Do vậy, đối với một mặt hàng, DN chỉ cần xuất hóa đơn vài sản phẩm, phần không xuất hóa đơn có thể trốn thuế được. Không những thế, bằng cách này DN còn có thể bán hàng lậu ra thị trường. Khi có ai tố cáo bán hàng không xuất hóa đơn, DN sẽ chứng minh rằng trong ngày đó có xuất hóa đơn cho mặt hàng này, nhưng vì khách hàng không yêu cầu nên họ xuất sau. Cũng vì không quy định phải ghi rõ số sê-ri, mã sản phẩm từng hàng hóa nên DN có thể bán hàng lậu chen với hàng có hóa đơn chứng từ để kiếm lời nhiều hơn. Hơn nữa, nhờ không buộc phải ghi khớp mã sản phẩm, số sê-ri trên hóa đơn nên DN thường dùng hóa đơn xoay vòng để đối phó với cơ quan thuế, quản lý thị trường.

“Thả cửa” trong điều kiện... không quản lý xuể

Những tưởng Nghị định 51/CP ra đời sẽ giải quyết được các vấn đề bức xúc nói trên. Không ngờ, trên nền thị trường phức tạp đó, Chính phủ đã không siết chặt, lại… mở rộng quyền cho DN, giao cho họ được tự in, đặt in hóa đơn! Nghị định cũng chẳng quy định buộc DN phải ghi số sê-ri, mã sản phẩm trên hóa đơn để tránh việc DN sử dụng hóa đơn xoay vòng, lợi dụng bán hàng lậu.

Sở dĩ các nước giao quyền in và tự in hóa đơn cho DN là vì nó được đặt trên một nền tảng chế tài thật chặt. Mức phạt vi phạm về thuế có thể khiến cho DN phá sản nên chẳng ai dám vi phạm, còn ở nước ta mức phạt quá nhẹ so với mức độ vi phạm. Thậm chí không quản lý xuể do thiếu cán bộ. Hơn nữa, “nền” để các nước giao quyền tự in hóa đơn cho DN vì mọi giao dịch của họ được thông qua hệ thống ngân hàng, cán bộ thuế ngồi nhà cũng có thể kiểm tra, quản lý được doanh số bán hàng của DN. Với các quy định và điều kiện như thế, dù có giao quyền tự in hóa đơn, DN cũng không thể trốn thuế được, còn ở ta quy định này cần được nhìn nhận lại.

Nhằm chống hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực điện tử, điện máy, Báo SGGP rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc. Khi có bất kỳ phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế… hãy gởi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08) 39294072 hoặc 0903.975323.

HÀN NI 

Tin cùng chuyên mục