
Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài phóng sự điều tra “Thực trạng các vườn quốc gia: Rừng… chết”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý, nhà khoa học về thực trạng nạn xâm hại rừng tại các vườn quốc gia hiện nay.

Một cây gỗ hương tại Tiểu khu 441 bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: H.NAM
Khó quản lý rừng
Theo ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Bộ NN-PTNT, hiện có 30 vườn quốc gia, 69 khu bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong số 16,2 triệu ha đất lâm nghiệp, rừng đặc dụng tại các vườn quốc gia chiếm 2,2 triệu ha.
Đúng như Báo SGGP phản ánh, diện tích rừng đặc dụng hiện đang bị xâm hại đến mức báo động đỏ. Nạn chặt phá, khai thác bừa bãi tại các cánh rừng vườn quốc gia đã làm nhiều loại gỗ quý hiếm bị cạn kiệt. Mặt khác, dân cư sinh sống tại các vùng đệm của vườn quốc gia hiện nay quá lớn, có nơi như tại Vườn quốc gia Yok Đôn là gần 40.000 người, đã phá trắng nhiều cánh rừng.
Có thể nói, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các vườn quốc gia hiện nay cực kỳ khó khăn và thách thức hơn trước rất nhiều. Rừng tại các vườn quốc gia, bất kể chỗ nào cũng có thể vào được. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm thì mỏng, phương tiện bảo vệ rừng hầu như không có gì.
Nhiệm vụ của các vườn quốc gia được giao là: bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học để phục vụ bảo tồn và khai thác du lịch sinh thái, giáo dục môi trường. Thế nhưng, các vườn quốc gia hiện nay chỉ làm một nhiệm vụ bảo vệ rừng với chi phí hàng năm cả ngàn tỷ đồng, nhưng cũng không thể giữ được rừng.
Một vấn đề khác là công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ rừng tại các vườn quốc gia với chính quyền địa phương hiện nay rất kém. Trước nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm và ban quản lý các vườn quốc gia hầu như bị đơn độc.
Có nơi, như tại Vườn quốc gia Yok Đôn tỉnh Đắc Lắc, mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với Ban quản lý vườn kéo dài trong nhiều năm qua, là một trong những nguyên nhân làm cho rừng vườn quốc gia “cạn máu” từng ngày, từng giờ.
Người tố cáo lâm tặc bị kỷ luật (!?)
Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắc Lắc) vừa ký quyết định thi hành kỷ luật Đảng với hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Xuân Thiện, Đảng ủy viên, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Vườn quốc gia Yok Đôn.
Ông Đoàn Xuân Thiện hiện là Phó ban Xây dựng cơ bản Vườn quốc gia Yok Đôn – người đã có công phát hiện, tố cáo lâm tặc phá rừng trong nhiều năm qua, trong đó có các vụ việc xảy ra vào năm 2008, 2009 và đầu năm 2010 mà Báo SGGP đã phản ánh.
Ông Thiện đã cùng với một số cán bộ, đảng viên tại Vườn quốc gia Yok Đôn nhiều lần có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng của huyện Buôn Đôn có biện pháp ngăn chặn hành vi phá rừng của các đường dây lâm tặc có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất.
Tuy nhiên, trong quyết định kỷ luật Đảng, Huyện ủy huyện Buôn Đôn lại nêu: “Việc đồng chí Thiện và 7 đảng viên, quần chúng ký tên vào báo cáo (dạng đơn thư), phản ánh sai sự thật, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm”.
Theo ông Trần Thế Liên, để làm rõ những nội dung mà Báo SGGP phản ánh, Tổng cục Lâm nghiệp đã thành lập đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Phó Tổng cục trưởng dẫn đầu, sẽ có mặt tại Tây Nguyên vào hôm nay (7-7). Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, làm rõ và đánh giá toàn bộ thực trạng xâm hại rừng tại các vườn quốc gia của tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum. Trong đó, sẽ làm rõ việc chuyển đổi mục đích rừng, nạn xâm hại động thực vật quý hiếm. Sau đoàn kiểm tra này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập đoàn kiểm tra tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh Tây Nguyên. |
Hoài Nam
Thực trạng các vườn quốc gia: Rừng... chết! |