Chủ động
Trước đây, ai cũng bận rộn với guồng quay của học hành, công việc và cuộc sống nên không mấy người đủ thời gian, đủ lực để tìm đầu ra cho nông sản mà gia đình, người thân quen, xóm giềng hay quê hương mình nuôi, trồng mới có. Bởi vậy, thi thoảng lại có những đợt cộng đồng hô hào nhau giải cứu món này, mua giúp nông dân món kia để những thành quả ấy không phải đổ bỏ.
Chị Đỗ Thị Nhung (29 tuổi, ngụ quận 9, TPHCM) cho biết, mùa dịch phải nghỉ việc ở nhà nên chị thừa thời gian, đồng nghĩa với thiếu thu nhập. Trong khi đó, vườn xoài của gia đình gần đến vụ thu hoạch thì thương lái báo ngưng thu mua vì không có đầu ra. Chị dành thời gian tìm hiểu các hội, nhóm trên mạng xã hội và mạnh dạn rao bán nông sản quê mình. Không chỉ rao bán xoài mà còn bơ, nhãn, ổi, mít… gom từ vườn của các gia đình trong xóm. “Cũng nhờ vậy mà chị em tôi chịu khó người đăng bán, gom đơn, người giao hàng, còn ba mẹ ở quê gom hàng chuyển lên. Mùa xoài này, chị em tôi trên thành phố và ba mẹ ở quê cùng bà con quanh xóm vẫn có thu nhập, lời lãi không nhiều nhưng còn hơn phải đổ bỏ”, chị Nhung trải lòng
Nhiều năm nay, gia đình Phạm Ánh Tuyết (sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng) có nguồn thu nhập chính từ trang trại gà ở Đắk Lắk. Tiền ăn học của chị em Tuyết cũng trông chờ cả vào đó. Bình thường, cứ đến kỳ xuất đàn, thương lái vào tận nơi thu mua. Lứa gà năm nay trúng mùa dịch kéo dài, hàng quán và các dịch vụ ăn uống phải đóng cửa nên những vùng nguyên liệu như quê Tuyết cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhìn đàn gà đến kỳ xuất chuồng nhưng không xuất được, vốn đã cạn mà vẫn phải vay mượn tiền mua thực phẩm để duy trì, ba mẹ chị Tuyết đứng ngồi không yên.
“Nếu gà không xuất được thì nợ sẽ chồng nợ. Tôi và chị gái còn ở lại TPHCM nên nảy ra ý tưởng đăng ký vào chợ online ở các chung cư để rao bán. Nhờ hàng ngon và không mất chi phí cho các khâu trung gian nên giá rẻ hơn nhiều so với ngoài chợ, lại được giao đến tận nhà, không mất phí nên được mọi người ủng hộ nhiệt tình”, chị Tuyết cho biết. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, sau khi chị Tuyết báo số lượng gà khách đặt, ba mẹ chị sẽ chọn những con gà to, ngon nhất, rồi làm sạch sẽ, cấp đông, tối đem ra bến xe gửi để sáng chị kịp giao cho khách. Gần 2 tháng gom đơn, đàn gà của gia đình chị cũng tiêu thụ được nhiều, giúp tháo gỡ khó khăn cho gia đình. Chị em chị Tuyết cũng có thêm kinh nghiệm để tự giải cứu sản phẩm của gia đình mà không phiền hà đến ai.
Quảng bá sản phẩm quê hương
Từ bịch bánh tráng, trái xoài, bơ, mít, dừa, rau củ đến gà, vịt... đều được người trẻ tranh thủ vận chuyển lên thành phố cung cấp cho người tiêu dùng bằng cách bán online như thế. Mỗi ngày, chợ online chung cư Ehome (quận 9), Đức Khải, An Phú - An Khánh (quận 2)… có hàng trăm mặt hàng được các bạn trẻ rao bán. Số lượng mỗi lần nhiều, ít tùy thuộc nhu cầu người mua, song điều đáng nói là rất nhiều sản phẩm ở những vùng quê xa xôi cũng được các bạn tìm cách tiếp cận.
Nguyễn Thị Thanh Hương (sinh viên Đại học Nông Lâm, TPHCM) đã từng bước đưa sản phẩm rau sắn muối ở vùng núi Phú Thọ, quê hương cô vào tận TPHCM. Những ngày cả xã hội ảnh hưởng vì dịch bệnh, nhu cầu mua hàng online của người dân tăng cao, Hương đăng bán món rau này với giá cả phải chăng, kèm theo công thức chế biến để mọi người đổi món. “Ban đầu cũng chỉ lác đác vài người trong chung cư đặt mua, giờ thì mọi người ủng hộ nhiều lắm, có cả cư dân ngoài chung cư đặt. Bố mẹ tôi muối chua không kịp, phải huy động cả mấy người trong xóm làm mới đủ cung cấp cho khách”, Hương khoe. Điều Hương tự hào là đã đưa được sản phẩm đặc trưng của vùng quê mình nhiều người biết đến hơn, từ đó cũng tạo thêm thu nhập cho người dân quê vốn chỉ biết lấy công làm lời từ thửa ruộng, mảnh vườn.
Hơn 1 tháng nay, anh Mai Quốc An cũng đã đem món nem thính của vùng đất Nam Định vào TPHCM và được người dân chung cư Sky9, House Neo (quận 9) tin dùng. Loại rong biển nấu xu xoa của dân xứ Quảng vốn khá khó kiếm ở TPHCM nay cũng được rao bán ở nhiều chợ online như chợ online Công đoàn Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức), chung cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2)… Tất cả đều được người trẻ kết nối đến được tay người dùng.
Chỉ cần một chút nhanh nhạy và đủ tâm huyết, người trẻ sẽ tìm ra cách để những khó khăn trong cuộc sống không phải là rào cản khiến những nông sản, đặc sản quê nhà đi thẳng từ quê ra phố và vươn đi khắp mọi miền đất nước.