Từ sức mạnh nội sinh của dân tộc

Cách nay một phần tư thế kỷ, khi lần đầu đến Thái Lan, nhìn hàng hàng xe hơi ken đặc trên đường phố thủ đô Bangkok, tôi vẫn nghĩ không biết khi nào hình ảnh ấy có mặt ở Việt Nam.

Còn bây giờ ở nước ta, kẹt ô tô không chỉ là chuyện ở các thành phố lớn, mà ngay những đô thị nhỏ vẫn diễn ra cảnh kẹt xe. Chiếc ô tô như một biểu tượng cho sự khá giả về kinh tế của gia đình thì nay đang dần trở nên như một phương tiện giao thông khá phổ biến, không chỉ ở đô thị mà ngay các vùng nông thôn, rẻo cao.

Tết năm nay nhìn hàng đoàn ô tô chở gia đình về quê ăn tết trên các cung đường, có thể hình dung được phần nào về kinh tế - xã hội của đất nước. Thay cho cảnh chen chúc tàu hỏa và sự đắt đỏ vé máy bay vào dịp tết, hàng ngàn gia đình đã chọn ô tô cá nhân để về quê, vừa có phương tiện đi lại ở quê mấy ngày tết, vừa chủ động đi lại, và trong chừng mực nào đó, còn là một cách “báo cáo” về kết quả làm ăn sau những tháng năm xa xứ.

Dù có những chỉ số cao thấp về thu nhập, về sự thất nghiệp của công nhân khi nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, nhưng rõ ràng hình ảnh hàng ngàn chiếc ô tô nối nhau hồi hương ăn tết là một minh chứng sinh động về sự phát triển. Cùng với đó, nhiều người cũng than phiền về vấn nạn kẹt xe trên các tuyến cao tốc trong những ngày áp tết. Rõ ràng nếu chỉ nhìn vào sự kẹt xe dễ liên tưởng đến hạ tầng còn bất cập, nhưng hãy nhìn xa hơn để thấy từ chỗ xuyên dọc Bắc Nam chỉ có độc đạo quốc lộ 1 thì nay đường cao tốc đã kết nối cơ bản, như vậy người tham gia giao thông có đến 2 lựa chọn: quốc lộ hoặc cao tốc. Việc thoát bỏ được độc đạo cũng là một minh chứng sinh động khác về sự phát triển. Nhìn từ những chiếc ô tô và hệ thống giao thông đang cho phép người dân lựa chọn để thấy rằng thời kỳ hậu Covid-19, đất nước còn khó khăn, nhiều hậu quả mà nó để lại chưa được giải quyết rốt ráo nhưng xu thế phát triển của đất nước là không thể phủ nhận.

Nhìn lại lịch sử đất nước, nhìn lại những chặng đường phát triển của dân tộc dễ nhận thấy rằng với bản lĩnh và ý chí của người Việt: không một khó khăn nào có thể khiến chúng ta lùi bước. Đâu phải ngẫu nhiên mà cha ông ta từng đúc kết: “Cái khó ló cái khôn”. Lúc khó khăn là lúc người dân biết tự bứt phá để tồn tại và phát triển. Khó có thể quên những năm sau 1975, khi kinh tế quốc gia lâm vào tình thế gian nan nhất thì “Khoán 10” ra đời tạo nên bước ngoặt lịch sử để giải phóng sự trì trệ bảo thủ, thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc, từ chỗ không đủ ăn tiến đến xuất khẩu gạo. Từ chỗ xuất khẩu gạo bình thường, ngày nay Việt Nam đã có loại gạo ngon nhất thế giới… Hơn tất cả chính là lòng tin vào sức mạnh nội sinh của người Việt. Sức mạnh nội sinh ấy như là một thứ “ADN” trong tiềm thức và căn tính dân tộc, không chỉ trong kinh tế - văn hóa mà bao trùm lên toàn bộ tâm thức người Việt.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong phát biểu vào thời khắc giao thừa chúc tết Xuân Giáp Thìn 2024 đã một lần nữa nhấn mạnh đến sức mạnh nội sinh ấy: “Giao thừa là thời điểm sâu lắng để chúng ta suy ngẫm về những điều đã qua, nghĩ về tương lai tươi sáng của mỗi người, mỗi gia đình và của dân tộc. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, đề cao phẩm giá, trí tuệ và khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa”. Lời chúc tết của Chủ tịch nước vừa là một khát vọng vừa là một minh chứng được đúc kết từ chính tiến trình phát triển của dân tộc, của đất nước, của mỗi người dân Việt. Và với sức mạnh nội sinh của mỗi người Việt, với hơn 100 triệu tấm lòng hun đúc khát vọng “hóa rồng” cùng Tổ quốc, không một trở ngại nào có thể cản trở được khát vọng ấy! Một đất nước bắt đầu từ huyền sử “Cha Rồng mẹ Tiên”, một đất nước có khởi thủy kinh đô mang dáng Rồng bay (Thăng Long), và vận hội năm Thìn chắc chắn sẽ tiếp bồi cho sức mạnh nội sinh ấy để đất nước sớm “hóa Rồng”.

Tin cùng chuyên mục