Tư vấn kinh tế – pháp luật

- Gia đình tôi hiện đang sinh sống ở Bình Thạnh thuộc khu vực quy hoạch của TPHCM. Căn nhà cấp 4 của gia đình tôi đã xuống cấp, lâu nay, tôi muốn sửa và xây mới nhưng không được. Nay tôi nghe rằng, TPHCM đã cho phép xây dựng trên khu quy hoạch, không biết có đúng không? Nếu đúng, chúng tôi phải thực hiện thủ tục gì để xin phép xây nhà? (Nguyễn Văn Hải, Bình Thạnh).

- Về nguyên tắc, đất trong khu quy hoạch sẽ không được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, để giải quyết ách tắc cho trường hợp đất đã có quy hoạch nhưng cơ quan nhà nước chưa ra quyết định thu hồi, từ cuối năm 2010, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép các hộ dân trong khu quy hoạch được phép xây dựng nhà tạm hoặc sửa chữa công trình hiện hữu, tùy thuộc vào hiện trạng và nội dung quy hoạch.

Tuy nhiên, quy định chỉ cho phép công trình xây dựng tạm có quy mô tối đa là 5 tầng và vẫn phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cùng các quy định về kiến trúc, cảnh quan. Ngoài ra, để được cấp giấy phép, gia đình anh phải cam kết tháo dỡ khi nhà nước thu hồi đất. Phần xây dựng theo giấy phép tạm này sẽ không được bồi thường.

Để được cấp giấy phép xây dựng tạm, gia đình anh phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm: đơn xin cấp phép xây dựng tạm; bản sao giấy tờ quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà hiện tại; giấy cam kết tự phá dỡ công trình; 2 bản vẽ thiết kế. Để tiến hành, gia đình anh nên liên hệ với UBND quận Bình Thạnh để biết thêm chi tiết.

- Tôi là nhân viên kinh doanh của công ty, nhưng vì hiện tại công ty không có bộ phận pháp chế nên tôi kiêm luôn việc soạn và dịch các hợp đồng mua hàng nhập khẩu. Hiện tại, tôi đang rất lúng túng với điều khoản về chọn trọng tài để giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh vì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Cho tôi hỏi, tôi cần phải lưu ý nội dung gì cho phần hợp đồng này? (….thanh48@ygmail.com).

- Nội dung quy định cụ thể trong hợp đồng là cơ sở quan trọng để các bên thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ của mình. Đặc biệt, nó còn là căn cứ quan trọng để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng xảy ra trong tương lai.

Theo thông lệ, có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau từ các hợp đồng xuất nhập khẩu. Trong đó, cách thức thông qua trọng tài như sự lựa chọn của công ty là phương thức được cho là phù hợp với đặc trưng của quan hệ thương mại và sử dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, việc soạn thảo điều khoản cũng cần cẩn trọng để tránh sự nhầm lẫn và rủi ro không đáng có.

Trước hết, xuất phát từ đặc trưng của các hợp đồng xuất nhập khẩu là việc lựa chọn trung tâm trọng tài giải quyết rất phong phú, cho nên chị cần phải xác định chính xác đó là trung tâm trọng tài nào, ở quốc gia nào. Tiếp đến là quy định về thủ tục tố tụng trọng tài sẽ sử dụng để tiến hành vụ kiện và giải quyết vụ kiện. Thực tế, các trung tâm trọng tài thường quy định sử dụng quy tắc trọng tài của mình. Thiết nghĩ, một khi quyết định chọn trung tâm trọng tài nào, chúng ta cũng nên sử dụng quy tắc của trọng tài đó.

Ngoài ra, cần phân biệt quy tắc trọng tài mà chúng ta lựa chọn chỉ giải quyết về mặt thủ tục. Quyền và nghĩa vụ của các bên vẫn sẽ được giải quyết trên cơ sở hệ thống pháp luật mà hợp đồng đã xác định tại điều khoản luật áp dụng.

Th.S Trương Trọng Hiểu
(Khoa Luật – ĐH Kinh tế Luật)

Tin cùng chuyên mục