Từ vụ nữ học sinh bị đánh hội đồng: Những câu hỏi nhức nhối

Những ngày qua, câu chuyện về một nữ sinh ở lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng TP Trà Vinh tỉnh Trà Vinh bị đánh hội đồng một cách dã man như phim hành động khiến người lớn và những ai có con đang đi học đều cảm thấy bàng hoàng!
Từ vụ nữ học sinh bị đánh hội đồng: Những câu hỏi nhức nhối

Những ngày qua, câu chuyện về một nữ sinh ở lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng TP Trà Vinh tỉnh Trà Vinh bị đánh hội đồng một cách dã man như phim hành động khiến người lớn và những ai có con đang đi học đều cảm thấy bàng hoàng!

Xem đoạn video clip với những pha đánh đấm hung hãn, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trên mạng xã hội, chẳng thể tin được những thiên thần áo trắng mới 13 tuổi - học lớp 7 lại có hành vi côn đồ, hành xử theo kiểu xã hội đen ngay tại lớp học - môi trường được xem là an toàn nhất, mô phạm nhất. Chỉ vì lý do đơn giản “không nghe lời lớp trưởng bảo phải đi mua bánh, phải đánh bạn khác” nên N.T.H.P. bị đánh bằng những pha đòn hãi hùng, rợn tóc gáy. Không thể xem hết clip với hình ảnh con mình đơn độc giữa “bầy sói” hung hãn, mẹ của P. giàn giụa nước mắt và thốt lên: “Tụi nó quá tàn bạo, dùng ghế đánh vào đầu con tôi mà chẳng ai đến cứu, mặc cho nó gào thét ở góc tường”.

Thế nhưng, nỗi đau không dừng ở đây mà còn nhức nhối, quặn thắt hơn bởi những câu hỏi ẩn chứa một sự thật vô cảm đáng sợ khác. Thứ nhất, vụ việc ầm ĩ này xảy ra cách đây hai tháng, có sự chứng kiến của rất nhiều học sinh trong lớp và ngoài lớp 7/5 nhưng không một ai có trách nhiệm tại trường biết để can thiệp kịp thời. Thứ hai, có rất nhiều học sinh chứng kiến vụ ẩu đả nhưng chẳng những không hề can ngăn, giải cứu cho bạn mình mà còn la hét cổ vũ (!?). Riêng bản thân P. vì quá sợ hãi nên cất giấu nỗi niềm. Nhưng còn nhiều học sinh khác ở trong lớp, ngoài lớp biết rõ sự thật nhưng bàng quang, chọn sự im lặng. Tại sao, các em lại thờ ơ, vô cảm và không dám phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và đơn giản nhất là kể cho phụ huynh nghe chuyện xảy ra ở trường mình?

Có điều gì đó nghẹn ngào, đau nhức... Bởi lẽ, những điều tốt đẹp mà các em được học từ những bài giảng, giờ đạo đức, giáo dục công dân đã trôi dạt đi đâu để khi nhìn thấy cái ác lên ngôi mà vẫn bình thản, dửng dưng như thể không phải chuyện của mình? Thứ ba, tại sao một học sinh có thói côn đồ, hành xử theo kiểu xã hội đen lại có thể được chọn làm lớp trưởng? Thứ tư, khi vụ việc vỡ lở, cha mẹ của những học sinh tham gia đánh bạn mới giật mình, không tin con mình lại bộc lộ thói hung hãn, côn đồ đáng sợ đến mức đó. Điều đáng nói là nhóm học sinh đầu gấu này đều được “gắn mác” khá, giỏi, ngoan hiền. Vậy từ đâu cái ác đột nhập vào trường học rồi tung hoành như chốn không người? Và tại sao sản phẩm giáo dục được gò đúng chuẩn quy định chung lại có lỗi nguy hiểm đến như vậy?

Chúng ta còn phải rung chuông báo động đến bao giờ nữa, rồi phải tiếp tục chứng kiến thêm bao nhiêu câu chuyện đau lòng về nạn bạo lực học đường? Cái ác và hành vi phạm tội sẽ còn bùng phát ở sân trường nếu chúng ta tiếp tục chạy theo thành tích học tập và đặt nặng việc học chữ, nhồi nhét kiến thức hơn dạy đạo làm người. Sự an toàn của trường học sẽ tiếp tục bị vấy bẩn bởi những hành vi bạo lực tiềm ẩn và tính hướng thiện, nhân văn, sẻ chia giữa bạn bè, thầy cô không được khơi ngợi, nhen nhóm hàng ngày ở môi trường học đường. Một khi thầy không hiểu trò, trò cách xa thầy và môi trường học đường không thân thiện như khẩu hiệu đặt ra, cộng thêm cha mẹ thiếu quan tâm, phó mặc chuyện học hành cho nhà trường thì chúng ta còn phải trả giá đắt.

Cuối cùng, những học sinh vi phạm nội quy học đường, tham gia đánh nhau tại Trường THCS Lý Tự Trọng TP Trà Vinh cũng bị xử lý kịp thời và bị đề nghị buộc thôi học 1 năm. Cái giá mà các em phải trả quá đắt và dư âm của vụ việc kinh hoàng này sẽ là bài học cho nhà trường, gia đình và xã hội. Dù giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng đã nhận lỗi thiếu trách nhiệm nhưng dư luận lại đòi hỏi hình thức kỷ luật cao hơn, bởi lẽ sự buông lỏng quản lý học sinh của nhà trường đã dẫn đến vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường học đường.

Để những sản phẩm giáo dục không bị lỗi, hãy giúp các em học cách làm người, ứng xử nhân văn, tự tin mở lòng với thầy cô bạn bè. Không những thế, nhà trường phải khuyến khích các em dám nói lên chính kiến của mình về cái xấu, cái tốt và nói không với bạo lực học đường. Như thế cần gần gũi học trò - những tâm hồn mảnh mai, dễ bị tác động bởi cái xấu có từ nhiều phía để kịp thời ngăn chặn những tà áo trắng không bị nhuốm màu mực đen vì những hành vi bạo lực bộc phát, suy nghĩ chưa tới.

Tăng cường những trò chơi lành mạnh, bổ ích sẽ giúp giảm hành vi xấu cho những “thiên thần áo trắng”. Trong ảnh: Giờ ra chơi của các em học sinh tại một trường trung học cơ sở của TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục