
Tuần lễ châu Á tại New York là một hoạt động thường niên, năm nay diễn ra vào trung tuần tháng 3. Đây được xem là một festival nghệ thuật lớn với 40 phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.
Một số tác phẩm đáng chú ý là loại gốm sứ thời nhà Tống (960-1279) Trung Quốc bao gồm bát trà lốm đốm đen và men màu nâu được gọi là mai rùa. Ngoài ra, gốm sứ thời nhà Nguyên (1271-1368) cũng được chú ý với các loại đến từ tỉnh Giang Tây.

Nhưng thu hút đông đảo du khách có lẽ là các loại hình nghệ thuật Nhật Bản. Truyện kể Genji là một trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu sống dưới trướng của thứ phi Akiko trong cung Fujitsubo, triều đại Thiên hoàng Nhất Điều (986-1011). Truyện được sáng tác vào khoảng những năm 1010 thời đại Heian bằng chữ viết kana. Truyện xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji cùng mối quan hệ với những người phụ nữ. Tác phẩm gồm 54 chương, thuộc một trong những truyện rất lớn về dung lượng, rất phức tạp về nội dung và rất quyến rũ về mặt hình thức trong lịch sử văn học thế giới. Ngoài ra, các loại tranh cổ của Nhật Bản thời kỳ Taisho (1912-1926), tranh in ván khắc của họa sĩ lừng danh Nhật Bản Utagawa Kunisada thế kỷ 19, trong đó có hình ảnh của 3 đô vật sumo đứng trên một cây cầu ở Edo.

Tranh vẽ của họa sĩ Nhật Bản Utagawa Kunisada
Với Hàn Quốc, nổi bật là các tranh vẽ ở triều đại Joseon (1392-1910), tranh vẽ ở thế kỷ 19 của hoàng tử Yi Ha-ung. Những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật dân gian Hàn Quốc sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh vẽ một con rồng (sinh vật trong văn hóa Hàn Quốc liên quan đến nước). Tác phẩm được cho là một phần của một lời cầu nguyện mưa. Với khu vực Nam Á, người ta tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc như tượng Phật cổ từ Càn đà la (Gandhara, một đất nước cổ nay thuộc một phần Pakistan và Afghanistan), tượng Bồ Tát cổ điển. Trong khi đó, nhiều tác phẩm của Phật giáo từ Mông Cổ và Nepal cũng được chú ý. Trong một bức tranh thế kỷ 18 vẽ thần Krishna tạo ra nơi trú mưa cho những môn đồ của mình bằng cách nâng một ngọn núi trên ngón tay út.
KHÁNH MINH