Tước danh hiệu “hành tinh”của sao Diêm Vương

Tước danh hiệu “hành tinh”của sao Diêm Vương

Sau gần 2 tuần tranh cãi sôi nổi trong cuộc hội thảo ở Prague (CH Czech), Hiệp hội Thiên văn học quốc tế (IAU) cuối cùng đã đồng ý tước danh hiệu “hành tinh” của sao Diêm Vương (Pluto).

Tước danh hiệu “hành tinh”của sao Diêm Vương ảnh 1
Mô phỏng thứ tự 8 hành tinh trong Thái Dương hệ, không có sao Diêm Vương.

Đây là hành tinh thứ 9 và là hành tinh nhỏ nhất (đường kính 2.200km) được phát hiện sau cùng trong hệ Mặt trời. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thiên văn học, một quyết định như vậy được thông qua. Theo định nghĩa mới của IAU, hành tinh là một “thiên thể bay trong quỹ đạo quanh Mặt trời, có tỷ trọng đủ lớn để tự tạo lực hấp dẫn và quỹ đạo của nó phải tách bạch với các vật thể khác”.

Trong khi đó, quỹ đạo hình elíp dẹt của sao Diêm Vương chồng lên quỹ đạo của sao Hải Vương (Neptune), hành tinh khổng lồ trong hệ Mặt trời. Do đó từ nay, sao Diêm Vương được gọi là tiểu hành tinh.

Sao Diêm Vương có màu vàng nhạt, nhỏ hơn Mặt trăng, được nhà thiên văn học trẻ người Mỹ Clyde Tombaugh phát hiện và đặt tên vào năm 1930. Các nhà thiên văn lúc ấy coi đó là một hành tinh vì nghĩ nó cũng lớn như Trái đất. Pluto càng nổi tiếng khi vào năm 1978, người ta phát hiện trên đó có một Mặt trăng và được đặt tên là Charon.

Sau đó kính viễn vọng Hubble còn tìm thêm được 2 Mặt trăng khác là Nix và Hydra. Nhưng đến những năm 1990, những kính viễn vọng mạnh hơn cho thấy có nhiều thiên thể khác tương đương Pluto trong hệ Mặt trời, nhất là UB313 (còn lớn hơn cả Pluto, được phát hiện năm 2003). Như vậy, với nghị quyết của IAU, hàng triệu sách giáo khoa cũng như các cuốn bách khoa toàn thư trên toàn thế giới có thể sẽ phải sửa lại rằng hệ Mặt trời chỉ có 8 hành tinh (sao Mộc, sao Thổ, sao Kim, sao Thủy, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Hỏa và Trái đất).

L.V (Theo AP)

Tin cùng chuyên mục