Tuổi xuân gửi lại nơi tuyến lửa

Những ngày tháng Ba cùng câu chuyện tôn vinh phái đẹp, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ khai mạc trưng bày hai chuyên đề “Yểu điệu thục nữ”, “Sưu tập trang sức phụ nữ dân tộc” của nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng và giao lưu với các cựu nữ Thanh niên xung phong “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C”.

IMG_7951.jpg
Giao lưu với các cựu nữ Thanh niên xung phong “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C”.

Hai trưng bày chuyên đề tại bảo tàng cho thấy, hình tượng người phụ nữ xuất hiện rất sớm trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Thông qua những nét đục khắc thô sơ ngộ nghĩnh từ thời sơ khởi, cho tới những tuyệt tác điêu khắc, hay những nét hội họa mềm mại uyển chuyển được thể hiện trên các thể loại tranh từ sơn dầu cho đến tranh sơn mài và đặc biệt còn được dùng để trang trí trên gốm… Hay các bộ sưu tập trang sức của phụ nữ dân tộc, một lần nữa cho thấy việc tôn vinh nét đẹp phái nữ làm phong phú, đa dạng thêm những nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Buổi giao lưu về những câu chuyện thanh xuân một thời trên tuyến lửa 1C với sự góp mặt của các cựu nữ Thanh niên xung phong như: bà Lâm Thị Minh Tâm (TNXP TP Cần Thơ), bà Nguyễn Xuân Phấn (TNXP TP Cần Thơ), bà Phạm Tuyết Hồng (bí danh Hồng Phương, TNXP tỉnh Cà Mau), bà Võ Tuyết Lệ Nữ (TNXP tỉnh Kiên Giang), bà Đoàn Thị Hồng Thắm (TNXP TPHCM).

431904205_722356196753815_598737145377023796_n.jpg
Một thời TNXP. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Suốt 10 năm liền, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau bám địa bàn, với nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường này. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử bằng tuổi thanh xuân và xương máu của mình.

432371953_722356466753788_7319127830556584870_n.jpg
Các cô chú cựu TNXP tham gia buổi giao lưu

Một thời thanh xuân trên tuyến lửa, nguy hiểm đã đành mà đường vận chuyển cũng đầy gian truân, bà Lâm Thị Minh Tâm (nữ chiến sĩ từng giữ chức vụ Trung đội trưởng, Phó Chính trị viên Đại đội) kể lại, kênh Vĩnh Tế (có người còn gọi là sông Vĩnh Tế) nằm giữa biên giới Việt Nam – Campuchia, con kênh ác liệt đến mức được anh chị TNXP gọi là “kênh Vĩnh Biệt”… “Có đợt chúng tôi đi 29 ngày liền trong tháng. Người thì lúc nào cũng ướt, do mũi xuồng va chạm vào cây là té xuống nước. Đoàn người mỗi đêm cứ nối tiếp, đi hết mùa khô rồi lại mùa nước nổi, vai nặng đường trơn, mồ hôi ướt đẫm. Vậy mà có chị giấu nhẹm mình bị bệnh để được đi công tác”, bà Lâm Thị Minh Tâm nhớ lại.

432705882_725004663155635_5314503036400141580_n.jpg
Một thời TNXP. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Con gái tuổi trăng tròn trước khi đi TNXP ai cũng tóc dài bóng mượt, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn tham gia TNXP nhiều người không dám chải đầu, vì chải tóc sẽ rụng từng nắm, không dám soi mặt mình dưới nước vì mặt ai cũng tàn tạ, xác xơ… Bà Nguyễn Xuân Phấn (TNXP TP Cần Thơ) chia sẻ: “Tóc khô cứng, chúng tôi lấy mỡ bò bôi lên cho suôn và dùng băng đạn làm lược chải tóc. “Cái răng cái tóc là góc con người”, nhưng giờ thì đẹp hay xấu cũng không còn quan trọng nữa… Và thế là chúng tôi quyết định cắt tóc ngắn cho đỡ vướng víu để mà làm nhiệm vụ, để mà đỡ xót xa khi nhìn bóng mình dưới nước”.

430108790_722356203420481_126403389503888070_n.jpg
Một thời TNXP. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Chiến tranh - hai từ khi nhắc đến gợi cho chúng ta về sự tàn khốc, ác liệt và chia ly. Trong cái ác liệt của chiến tranh đặt người ta bật lên điều phi thường, vững một niềm tin về ngày đất nước hòa bình, thống nhất dẫu tuổi xuân đẹp nhất đời người có khi gửi lại mãi mãi trong lòng đất mẹ… Hay đâu đó trên những cung đường tuyến lửa một thời như huyền thoại 1C, có câu chuyện của người chiến sĩ ở mãi tuổi trăng tròn.

Tháng 7-1967, do tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển bị đánh phá ác liệt, một tuyến đường trên bộ với mật danh 1C đã được thành lập nhằm chuyển vũ khí từ Campuchia về chiến trường Tây Nam bộ. Đường 1C là một hệ thống đường cả bộ và thủy kéo dài từ kênh Vĩnh Tế (Kiên Giang) giáp biên giới Campuchia về đến U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau). Hơn 13.000 tấn vũ khí, trên 30.000 người đã được vận chuyển, di chuyển qua tuyến đường này. Khoảng 400 nữ TNXP đã nằm xuống trên đường 1C và hơn 300 người khác bị thương.

Tin cùng chuyên mục