Tùy tiện và phản cảm

Sự việc một trái tim được kết bằng mây tre đan tua tủa dựng trên bờ Hồ Gươm (Hà Nội) đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Thiết kế “quái dị” này được cho là của các làng nghề truyền thống tham dự Lễ hội dân gian trong đời sống đương đại, ngay sau đó đã bị dỡ bỏ vào đêm 10-12. Sở VH-TT Hà Nội cũng ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ hội và dỡ bỏ toàn bộ những thiết kế không phù hợp tại không gian Hồ Gươm trước giờ khai mạc.

Sự việc một trái tim được kết bằng mây tre đan tua tủa dựng trên bờ Hồ Gươm (Hà Nội) đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Thiết kế “quái dị” này được cho là của các làng nghề truyền thống tham dự Lễ hội dân gian trong đời sống đương đại, ngay sau đó đã bị dỡ bỏ vào đêm 10-12. Sở VH-TT Hà Nội cũng ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ hội và dỡ bỏ toàn bộ những thiết kế không phù hợp tại không gian Hồ Gươm trước giờ khai mạc.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu xảy ra việc đối xử tùy tiện với không gian văn hóa giữa thủ đô Hà Nội. Trước đây đã từng có tổ chức nhăm nhe đặt tượng rồng bay và rùa vàng ở khu vực Hàng Khay, ngay sát Hồ Gươm. Song rất may ý tưởng này đã dừng lại kịp thời. Năm 2017, một cá nhân định đúc biểu tượng Thần Kim Quy nặng 10 tấn tại đây cũng đã khơi ra “cuộc chiến” bảo vệ không gian văn hóa khiến chính quyền Hà Nội phải ra công văn bác bỏ để trấn an dư luận. Cùng trong năm đó, Bộ VH-TT-DL bất ngờ đưa ra đề nghị dựng mô hình Kong trong bộ phim Kong: Skull Island, một bộ phim của Hollywood được quay tại Ninh Bình, Hạ Long để quảng bá cho bộ phim này tại khu vực Hồ Gươm. Rất may, với sự vào cuộc của báo chí, mô hình không phù hợp này đã bị hủy bỏ từ “trứng nước”. 

Vào một ngày đẹp trời năm 2018, người dân thủ đô ngạc nhiên khi thấy 12 con thiên nga bơi lội tung tăng trong hồ. Khi thả thiên nga vào Hồ Gươm, nơi có tháp Rùa cổ kính, chẳng ai buồn tính đến sự xung đột giá trị thẩm mỹ giữa phương Tây và phương Đông. Khi dư luận lên tiếng, số thiên nga này đã được chuyển sang nơi khác. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (năm 2019), công trình tháp ánh sáng ven Hồ Gươm cũng buộc phải gỡ bỏ bởi nhiều người không nhận ra được giá trị nghệ thuật mà coi đó là điểm để… đi vệ sinh!

Hồ Gươm là di sản, là địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa tâm linh, là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, cần phải ứng xử với không gian này thận trọng, không thể tùy tiện nhân danh nghệ thuật làm tổn hại hình ảnh nơi đây. Ai, đơn vị nào để “trái tim quái dị” xuất hiện ở Hồ Gươm cần phải bị xử lý thích đáng chứ không phải cứ rút “sợi dây kinh nghiệm” hết lần này đến lần khác, dây đã đứt mà tổn hại vẫn còn.

Tin cùng chuyên mục