
Hôm nay, 12-7, kết thúc vòng đàm phán lần thứ 10, Uỷ ban xúc tiến hợp tác kinh tế liên Triều đã ra Tuyên bố chung 12 điểm về tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai miền.
Theo đó, Hàn Quốc đồng ý trợ cấp 500.000 tấn gạo cho CHDCND Triều Tiên và từ năm 2006, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho CHDCND Triều Tiên nguyên liệu phục vụ các ngành may mặc, giầy dép và sản xuất xà phòng. Ngoài ra, hai miền cũng sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, chăn nuôi, ngư nghiệp, chế biến thuỷ sản và hàng hải. Dự kiến hai bên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cụ thể về từng lĩnh vực trong thời gian tới.

Đàm phán giữa đại diện 2 miền Triều Tiên
Cũng tại vòng đàm phán được đánh giá là khá tích cực này, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí thành lập Văn phòng hợp tác kinh tế liên Triều và phối hợp đầu tư xây dựng một trung tâm công nghiệp tại Khu công nghiệp Kaesong, nơi hiện có hàng chục công ty Hàn Quốc đang hoạt động. Dự kiến, dự án này sẽ khởi công vào tháng 9 tới.
Bên cạnh đó, đoàn đại biểu hai miền Triều Tiên cũng thoả thuận tăng cường hợp tác xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt liên Triều mà cụ thể là triển khai vận hành thử nghiệm hai tuyến đường sắt vào tháng 8 và khai thông hai tuyến đường bộ liên Triều vào tháng 10 tới.
Cuộc hội đàm về hợp tác giao thông xuyên biên giới cũng sẽ được tiến hành trong thời gian từ 28 - 30-7.
Dự kiến, vòng đàm phán kinh tế liên Triều lần thứ 11 sẽ được tổ chức từ ngày 28-9 đến 1-10 tới ở Bình Nhưỡng.
Liên quan việc nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ngày 11-7, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ ngừng đe doạ nước này, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng đã sẵn sàng trở lại vòng đàm phán 6 bên khi hai miền Triều Tiên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế.
Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố sẽ nối lại vòng đàm phán 6 bên của Bình Nhưỡng, ngày 11-7, Nhà Trắng cho biết Washington muốn Bình Nhưỡng có "thái độ nghiêm túc" đối với đề xuất đổi viện trợ lấy việc Bình Nhưỡng quay lại vòng đàm phán về vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Washington cũng cho biết CHDCND Triều Tiên đã đồng ý sẽ có câu trả lời chính thức về đề xuất trên trong cuộc đàm phán vào hạ tuần tháng này.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và Ngoại trưởng Nobutaka Machimura trước khi đến Seoul gặp các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice vẫn tỏ ý rất nghi ngờ khả năng CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân vì theo bà, cho đến nay "vẫn chưa có dấu hiệu nào đảm bảo điều này sẽ xảy ra".
Hôm qua, Tổng thư ký LHQ Kofi An nan cũng đã hoan nghênh quyết định trở lại bàn đàm phán 6 bên và cam kết LHQ sẽ tiếp tục ủng hộ những nổ lực nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông An nan cũng cho rằng việc các bên cùng ngồi vào bàn đối thoại, dựa trên thiện ý và sự tôn trọng lẫn nhau, là cách tốt nhất để sớm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
L.D (Theo TTXVN & AP)