Tuyển sinh đại học năm 2023: Nâng chất các kỳ thi riêng

Năm 2023, ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học (ĐH) còn sử dụng thêm nhiều phương thức khác để xét tuyển như sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy, ĐGNL chuyên biệt (kỳ thi riêng), điểm học bạ THPT, xét tuyển kết hợp. Đáng chú ý là chỉ tiêu của nhiều trường ĐH dành cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi riêng tăng lên so với năm 2022.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 5-2022 tại Đồng Nai
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 5-2022 tại Đồng Nai

Mở rộng quy mô tổ chức

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM vừa thống nhất và quyết định năm 2023 tiếp tục phát triển kỳ thi ĐGNL cả về quy mô lẫn chất lượng.

Cụ thể, ngoài 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022, kỳ thi sẽ được tổ chức thêm tại một số địa phương. Trong năm 2022, có hơn 120.000 lượt thí sinh dự thi và có gần 100 trường cao đẳng, đại học sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển.

Năm 2023, với việc mở rộng địa điểm thi, TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định số lượng thí sinh dự thi sẽ tăng lên, đồng thời số trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển cũng sẽ tăng. Đó là chưa kể kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM sẽ được công nhận lẫn nhau để tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển trong năm 2023.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa phê duyệt Đề án tổ chức thi ĐGNL từ năm 2023. Trung tâm Khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến và được duy trì 24 tháng kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký. Thí sinh cũng được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian cách nhau giữa 2 đợt thi tối thiểu 28 ngày (bao gồm cả các ngày thi). Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi.

Theo TS Trần Bá Trình, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề án tổ chức kỳ thi ĐGNL của trường dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm. Ngoài ra, 8 trường ĐH sư phạm lớn của cả nước cũng thống nhất công nhận kết quả kỳ thi ĐGNL và ĐGNL chuyên biệt để xét tuyển trong năm 2023.

Th.S Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nhận định, kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của trường trong năm 2023 sẽ tăng số lượng đợt thi và số lượng thí sinh dự thi so với năm 2022. Ngoài ra, chỉ tiêu xét tuyển dành cho phương thức này trong năm 2023 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2022.

Trong khi đó, ĐH Bách khoa Hà Nội có kế hoạch tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2023 vào các tháng 5, 6 và 7, tăng 2 đợt so với năm 2022. Năm ngoái, kỳ thi này thu hút hơn 7.100 thí sinh tham dự, hơn 20 trường sử dụng kết quả để xét tuyển.

Đề thi tiệm cận kỳ thi quốc tế

Điểm nổi bật của các kỳ thi riêng trong năm 2023 được các trường ĐH nhìn nhận là sẽ thay đổi về cấu trúc cũng như chất lượng đề thi.

Cụ thể, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi theo hướng tiệm cận với các kỳ thi của quốc tế. Đề thi gồm 3 phần: Toán học, đọc hiểu, khoa học/giải quyết vấn đề; tổng thời gian 150 phút, ngắn hơn gần một nửa so với cấu trúc cũ. Câu hỏi cả 3 phần thi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, tổng điểm 100 (năm 2022, bài thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận). Cấu trúc đề thi năm 2023 không còn bài tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và tiếng Anh như năm 2022. Các câu hỏi được phân loại từ dễ đến khó với độ tin cậy, đảm bảo tính phân hóa được kiến thức của thí sinh...

Thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như năm 2022, kỳ thi năm 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào sử dụng kết quả của kỳ thi.

Lý giải về sự thay đổi đề thi, một lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y dược và quan trọng hơn là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tại điểm thi TPHCM năm 2022

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tại điểm thi TPHCM năm 2022

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2023 có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Về cấu trúc đề thi, độ khó không thay đổi so với năm 2022 nhưng ngân hàng câu hỏi sẽ có sự bổ sung phù hợp hơn. Ngoài ra, năm nay thí sinh đăng ký dự thi sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống đăng ký được đầu tư và nâng cấp, thí sinh dễ dàng thao tác, chuyển khoản trực tuyến.

Trong hệ thống của ĐH Quốc gia TPHCM, năm nay Trường ĐH Bách khoa bắt đầu sử dụng phương pháp xét tuyển mang tính toàn diện, tổng hợp. Trường sẽ không sử dụng một điểm thi duy nhất để làm tiêu chí xét tuyển mà sẽ dùng thêm các tiêu chí như điểm thi ĐGNL, điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao hay hoạt động xã hội... của thí sinh. Tuy nhiên, nếu thí sinh muốn dễ dàng vào được Trường ĐH Bách khoa thì việc tham dự kỳ thi ĐGNL là mấu chốt.

Trong khi đó, các kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… cũng sẽ có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh cũng như giúp các trường đánh giá và tuyển chọn thí sinh đủ năng lực để phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng trường.

Tin cùng chuyên mục