Tuyển sinh đào tạo ngoài ngân sách: Ai xin thì… cho!

Xin lúc nào cho lúc nấy
Tuyển sinh đào tạo ngoài ngân sách: Ai xin thì… cho!

Ngay khi Trường ĐH Kinh tế TPHCM thông tin về việc tuyển bổ sung chỉ tiêu đào tạo thuộc diện ngoài ngân sách, vào đúng thời điểm các trường ĐH chuẩn bị công bố điểm chuẩn trúng tuyển NV2, đã dấy lên một làn sóng phản đối ở các trường ĐH, vốn đã âm ỉ từ cuối tháng 8 khi Bộ GD-ĐT cho một số trường tuyển bổ sung ngoài ngân sách.

Xin lúc nào cho lúc nấy

Tuyển sinh đào tạo ngoài ngân sách: Ai xin thì… cho! ảnh 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Dân lập Hùng Vương. Ảnh: MAI HẢI

Vào thời điểm các thí sinh (TS) dự kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 chuẩn bị nộp hồ sơ xét tuyển NV2, ngày 22-8, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định cho 4 trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng TPHCM và ĐH Kiến trúc TPHCM được tuyển bổ sung chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách những TS có kết quả thi cao nhưng không trúng tuyển NV1.

Đây là những TS này có mức điểm thi kế cận điểm chuẩn, nếu được trúng tuyển phải tự túc 100% học phí, không có hỗ trợ của nhà nước.

Khi 4 trường ĐH trên đang khấp khởi vì không những có thêm chỉ tiêu còn có thêm tiền ngoài ngân sách để giải quyết giấc mơ NV1 cho hàng ngàn TS, thì các trường ĐH công lập khác bổng… bức xúc vì “chủ quan” trước lời khẳng định của Vụ trưởng Vụ ĐH-sau ĐH Bộ GD-ĐT Trần Thị Hà trên báo chí ngày 2-8: “Hiện nay chưa có trường ĐH nào đề nghị với bộ được tuyển hệ ngoài ngân sách. Nhưng ngay cả khi các trường đề nghị, bộ sẽ phải xem xét chuyện này rất kỹ. Về cơ bản là không có chủ trương cho phép vì như tôi đã giải thích ở trên, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay đã do các trường tự xác định sát với năng lực đào tạo của mình, không bị giới hạn bởi bộ hay vấn đề ngân sách. Vậy bây giờ lấy đâu ra điều kiện để đào tạo thêm hệ ngoài ngân sách?” (trích nguyên câu). 

Nhưng trước tiền lệ này, hàng loạt trường ĐH vẫn tiếp tục gửi đơn chứng minh… năng lực để “xin” thêm chỉ tiêu. Và, ngay thời điểm các trường ĐH chuẩn bị công bố điểm chuẩn trúng tuyển NV2, Bộ GD-ĐT tiếp tục có quyết định cho thêm một số trường, trong đó có Trường ĐH Kinh tế TPHCM tuyển bổ sung chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách năm 2007.

Việc tuyển thêm chỉ tiêu, đồng nghĩa với việc hạ điểm chuẩn trúng tuyển khiến “sự kiện” hạ điểm chuẩn từ 21,5 xuống còn 20,5 của Trường ĐH Kinh tế TPHCM trở thành “sự cố” trong tuyển sinh đối với các trường ĐH đào tạo khối A có xét tuyển NV2. Vì số TS dự thi vào trường ĐH Kinh tế đạt điểm thi từ 20,5 đến 21,5 có khoảng 1.956 TS.

Số TS này, dù đã nộp NV2 vào các trường ĐH khác và đang hồi hộp chờ kết quả, nhưng khi nghe Trường ĐH Kinh tế thông báo, đã không nén nỗi vui mừng quay về trường bất chấp tiền học phí đóng gấp 3 lần các “liền anh, liền chị” khác…   

Không sòng phẳng

Trước tình cảnh “điêu đứng” trong xét tuyển NV2 vì các quyết định “ngoài ngân sách” được ban hành theo kiểu “xin lúc nào cho lúc đó”, các trường chỉ biết… trách Bộ. Vì lãnh đạo Bộ từng khẳng định “bổ sung chỉ tiêu ngoài ngân sách là một giải pháp “mở” để tăng thêm sự lựa chọn cho cả nhà trường và TS, và nó không phải là giải pháp thay thế việc xét tuyển NV2" nhưng trên thực tế, hướng giải quyết bổ sung chỉ tiêu đối với một số trường đã ảnh hưởng đến qui trình xét tuyển NV2 của các trường. 

Cụ thể, trong lúc các trường nêu trên được quyền nhận NV1 “ngoài ngân sách” mà không cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi (vì ngay tại trường mình thi), thí sinh vẫn được quyền nộp NV2 ở trường khác, tạo thêm một số lượng thí sinh ảo vô lý.

Mặt khác, nhiều ý kiến của các trường ĐH cho rằng, hàng năm, Bộ duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường, và trên nguyên tắc, các trường chỉ được tuyển theo chỉ tiêu đã được duyệt.

Vậy khi Bộ cho phép một số trường được tuyển ngoài ngân sách cũng phải có văn bản cụ thể, đưa ra tiêu chí cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, yêu cầu xã hội… để trường nào biết mình đủ điều kiện sẽ xin xét tuyển thêm. Nhưng, từ đầu tháng 8-2007, khi tuyển sinh ĐH đang trong thời điểm nóng nhất, Bộ vẫn khẳng định chưa có chủ trương cho tuyển ngoài ngân sách.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bức xúc: khi được “cho” thêm chỉ tiêu, các trường ĐH đã chứng minh được khả năng đào tạo với số lượng lớn hơn chỉ tiêu được giao hiện tại nhiều.

Vậy tại sao bộ chỉ cho phép số lượng chỉ tiêu hạn chế để giờ đây, sau vài tháng từ lúc giao chỉ tiêu đến khi xin tuyển thêm, các trường hô “biến” kiểu nào để gia tăng được các điều kiện để nhận đào tạo thêm SV? Nếu lấy lý do tạo điều kiện cho TS đạt điểm cao được học  thì sao không đặt ra “ngưỡng” ngay từ đầu, TS vượt qua ngưỡng ấy thì được trúng tuyển?

Có thể thấy, phương thức tuyển sinh như hiện nay đã phát sinh thêm điều bất ổn trong việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo thiếu khoa học, chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo của các trường, thì tại sao khi cần lại có thể xin - cho thêm chỉ tiêu với tên gọi “ngoài ngân sách”?

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục