Trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), Điều 33 cho phép các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số được giãn mức điểm chênh lệch giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 2 điểm; đối với các trường ĐH, CĐ được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đối với những trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương được phép định điểm trúng tuyển theo tỉnh, huyện, vùng với mức điểm chênh lệch khu vực lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 2 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH, CĐ đã có những đề nghị vận dụng Điều 33 như một “giải pháp an toàn” để hạ điểm chuẩn xét tuyển. Với lý do khó khăn về nguồn tuyển, Trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam) đã đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh điểm chuẩn xét tuyển hệ CĐ thay vì áp dụng Điều 33 của quy chế tuyển sinh.
Trường này đề nghị xin nhận hồ sơ và xét tuyển hệ CĐ với số điểm thấp hơn điểm sàn quy định của bộ là 2 điểm để tuyển 3 ngành: công nghiệp kỹ thuật điện: 160 chỉ tiêu, công nghiệp kỹ thuật xây dựng: 170 chỉ tiêu, kế toán: 170 chỉ tiêu.
Thậm chí, có trường còn “phớt lờ” giới hạn của Điều 33 (chỉ áp dụng đối với khu vực dân tộc thiểu số và đào tạo nhân lực cho địa phương), tự “chỉ định” áp dụng ưu tiên này cho ngành khó tuyển nhưng được nhà trường dự báo là “có tương lai”.
Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn cho biết, sau 2 năm thực hiện xét tuyển theo quy định điểm sàn của bộ, trường đã không có sinh viên nào đăng ký vào học ngành công nghệ luyện kim. Vì vậy, trường này cũng xin áp dụng Điều 33 để xét tuyển cho ngành công nghệ luyện kim, vì theo nhà trường, nhu cầu lực lượng lao động có trình độ tay nghề bậc CĐ ngành này trong tương lai là rất lớn (!).
Theo đề xuất của trường, điểm trúng tuyển đối với HSPT – KV3 là 10 điểm, nhưng điểm ưu tiên khu vực được nhà trường đề nghị “mỗi nơi một phách”: KV2 được ưu tiên 1 điểm, KV2 – nông thôn: 2 điểm và KV 1 được cộng đến 3 điểm.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Ngô Kim Khôi khẳng định: về nguyên tắc, các trường ở thành phố có nguồn tuyển dồi dào không được vận dụng Điều 33 mà phải xét tuyển từ cao xuống thấp.
Trước đó, ĐH Trà Vinh đã “nhanh tay” vận dụng Điều 33 của quy chế (giãn mức điểm chênh lệch khu vực lên 2 điểm và chênh lệch đối tượng lên 1 điểm). Với cách “hạ điểm chuẩn” này, trường đã tuyển 1.253 thí sinh NV1, trong đó có 1.166 thí sinh KV1, thí sinh thuộc nhóm ưu tiên 1 là 244 thí sinh, người dân tộc thiểu số có 240 thí sinh. Thí sinh có điểm thấp nhất là 5 điểm (12 thí sinh), thí sinh có điểm từ 5,5 – 7 là 82 thí sinh, hầu hết là người dân tộc Khmer…
Dù thanh tra của bộ đã có kết luận việc xây dựng điểm trúng tuyển chưa đúng và ĐH Trà Vinh cũng thừa nhận thiếu sót với Bộ GD-ĐT nhưng nhà trường cho rằng, hiện đã gọi thí sinh nhập học, nếu loại các em ra không cho trúng tuyển thì việc áp dụng Điều 33 không đầy đủ, dễ tạo thắc mắc về sự phân biệt và đề nghị giữ kết quả trúng tuyển.
Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT khẳng định, chỉ cho phép các trường vận dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực tối đa là 1 điểm, ưu tiên đối tượng là 1 điểm. Quyết định này tạo cơ hội cho nhiều thí sinh vùng dân tộc thiểu số đạt 5 điểm/3 môn vẫn có cơ hội xét tuyển vào hệ CĐ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc áp dụng chủ trương này đang có dấu hiệu tùy tiện nếu không có sự can thiệp kịp thời của Bộ GD-ĐT. Ưu tiên cho con em dân tộc thiểu số, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương không đồng nghĩa với hạ quá thấp chuẩn đầu vào, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và cả uy tín của mỗi trường.
Anh Nhi
ĐH Nông Lâm TPHCM dành 350 chỉ tiêu cho NV 3 (SGGP). – Hôm qua 11-9, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 2. Điểm trúng tuyển NV 2 của ĐH Nông Lâm TPHCM là 15 - 17 điểm (hệ ĐH) và 11 - 14 điểm (hệ CĐ). Hệ ĐH, khối A cao điểm nhất là ngành CNTT (16,5 điểm), 2 ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và cơ điện tử cùng 16 điểm; các ngành còn lại ở mức 15 điểm. 3 ngành khối B (lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, ngư y) có điểm cao nhất 17 điểm. Các ngành khối D1 có điểm bằng điểm của khối A. Cao điểm nhất của hệ CĐ là ngành nuôi trồng thủy sản (14 điểm). Tại phân hiệu Gia Lai, điểm chuẩn chỉ dao động từ 13 đến 15 điểm cho các khối A, B, D1. Với kết quả này, ban tuyển sinh của trường dành đến 350 chỉ tiêu xét tuyển NV 3 cho 9 ngành (chỉ dành cho thí sinh khối A). Mức điểm xét tuyển 2 ngành cơ điện tử, công nghệ ô tô là 16 điểm, 7 ngành còn lại như cơ khí nông lâm, chế biến lâm sản, công nghệ nhiệt lạnh, điều khiển tự động… chỉ lấy 15 điểm. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển NV 3 tính từ ngày 15 đến hết ngày 30-9 (gửi qua đường bưu điện). Năm nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xét tuyển NV 2 ở 10 ngành (9 ngành khối A và 1 ngành khối D1). Điểm trúng tuyển NV 2 của trường khá cao, có ngành điểm trúng tuyển cao hơn điểm trúng tuyển NV 1 đến 3,5 điểm. Điển hình là ngành công nghệ điện tử - viễn thông (18,5 điểm), kỹ thuật nữ công (16 điểm), ngành tiếng Anh (20 điểm). Các ngành còn lại đều có điểm cao hơn NV1 1 điểm (16 điểm). Ở hệ CĐ, điểm trúng tuyển khối A cao hơn điểm sàn hệ CĐ từ 2 đến 3 điểm. Th.Hùng |