Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Thận trọng khi chọn khối A1

Trường có trường không  
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Thận trọng khi chọn khối A1

Năm 2012 Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh). Đây được xem là tín hiệu tích cực nhằm tiến đến cải tiến phương án tuyển sinh “3 chung”. Tuy nhiên, xung quanh việc bổ sung thêm khối thi này không chỉ các trường ngại xáo trộn mà với thí sinh khi chọn thi khối A1 cũng hết sức thận trọng vì không khéo cơ hội của thí sinh sẽ khép lại ở các nguyện vọng (NV) tiếp theo nếu rớt NV1.

Thí sinh nên tính toán kỹ khi chọn thi khối A1 trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay (Trong ảnh: Thí sinh thi khối A vào Trường ĐH Tài chính Marketing năm 2011). Ảnh: T.Hùng

Thí sinh nên tính toán kỹ khi chọn thi khối A1 trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay (Trong ảnh: Thí sinh thi khối A vào Trường ĐH Tài chính Marketing năm 2011). Ảnh: T.Hùng

Trường có trường không  

Đến thời điểm này, phương án bổ sung thêm khối thi A1 đã được các trường quyết định. Thế nhưng khá bất ngờ là những trường tổ chức thi khối thi này lại không nhiều như mong đợi.

Tại TPHCM, một số trường tổ chức thi khối này gồm có ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Công nghiệp, Trường ĐH Ngoại thương... Tuy nhiên, cũng có một số trường ĐH lớn như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ lại không tổ chức thi cũng như xét tuyển các NV tiếp theo đối với khối A1.

Lý giải về việc không áp dụng khối A1, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Trước khi áp dụng phải được bàn tính kỹ, có giải pháp để không bị rối, đồng thời tất yếu phải đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Nếu thực hiện phương án bổ sung thêm khối thi A1 mà trường có trường không thì những thí sinh chọn thi khối này không đậu NV1 sẽ xét tuyển các NV tiếp theo thế nào.

Với lượng thí sinh đăng ký dự thi luôn dẫn đầu cả nước trong những năm gần đây, hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Cần Thơ thống nhất nói không với khối A1. Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng nhà trường, hội đồng tuyển sinh của trường vẫn giữ ổn định các khối thi A, B, C, D. Lý do mà hội đồng tuyển sinh trường này chính là sẽ gây xáo trộn cho thí sinh cũng như công tác tổ chức thi, xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

Với thông tin tuyển sinh đã công bố, nhiều trường ĐH tại phía Bắc cũng không mặn mà khi bổ sung khối thi A1. Điển hình như ĐH Thái Nguyên, chỉ có 1 trường thành viên (Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh) và 3 ngành (toán, lý, toán ứng dụng) của Trường ĐH Khoa học bổ sung khối A1. Các trường thành viên còn lại như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm… đều không bổ sung khối A1.

Ngay ĐH Quốc gia Hà Nội, một số trường ĐH thành viên cũng không tổ chức thi khối A1 như Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV (một số ngành có thi khối A) và nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, vật lý kỹ thuật và cơ học kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ.

Trong khi đó, một số trường có bổ sung khối A1 nhưng ngại tổ chức thi nên lên phương án cho thí sinh đăng ký thi nhờ những trường tổ chức thi khối này.

Đừng mạo hiểm!

Thực tế cho thấy, việc bổ sung khối A1 không những có trường không muốn áp dụng mà ngay cả những trường có bổ sung khối thi này cũng có những phương án riêng. Do đó, thí sinh không chú ý đến những điểm này sẽ dễ đánh mất cơ hội.

Theo hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, trường bổ sung thêm khối A1 nhưng không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển sau NV1. Lý giải về vấn đề này, cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường cho rằng: “Trường ủng hộ chủ trương của bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức thi khối A1 sẽ phát sinh nhiều xáo trộn cho công tác tuyển sinh”.

Thí sinh cũng cần cân nhắc khả năng trúng tuyển của khối thi A1. Thứ nhất, không phải trường nào tuyển sinh khối A đều bổ sung khối A1. Kế đến là nhiều trường không tuyển thí sinh chọn thi khối A1 nên cơ hội ở các NV tiếp theo sẽ rất khó đối với thí sinh. Đơn cử như Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) chỉ có 3 ngành trong tổng số 13 ngành áp dụng bổ sung thi khối A1. Do đó, nếu thí sinh thi khối A1 thì cơ hội xét tuyển tiếp theo vào những ngành còn lại (nếu còn chỉ tiêu) là không còn. Mặt khác, nếu thí sinh thi khối A1 ở Trường ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng… không đậu NV1 chắc chắn sẽ không được xét tuyển vào các trường không bổ sung khối A1.

Chẳng hạn như tại phía Bắc, nếu thí sinh chọn thi khối A1 vào ĐH Thái Nguyên chẳng may rớt NV1 vào Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh và 3 ngành toán, lý, toán ứng dụng của Trường ĐH Khoa học thì hết cơ hội xét tuyển vào những trường ĐH thành viên còn lại do không tuyển khối A1.

Do đó, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn khối A1. Nếu thấy khả năng chưa đủ và cơ hội trúng tuyển NV1 thấp thì thí sinh không nên mạo hiểm để chọn khối A1 mà nên chọn khối A.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục