Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chưa đạt như mong muốn

Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV là 26,72%, tỷ lệ nữ HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn khóa trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu 30% theo như mong muốn.
Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới”, diễn ra tại TPHCM, sáng 15-4-2021. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới”, diễn ra tại TPHCM, sáng 15-4-2021. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Ngày 15-4, tại TPHCM, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo khu vực miền Nam “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới”.

Theo đó, hội thảo cung cấp một số thông tin và kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) như thông tin về chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH, việc quyết định các vấn đề ngân sách - tài chính của Quốc hội, thông tin cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội, một số chính sách pháp luật về lĩnh vực xã hội mà cử tri quan tâm, pháp luật về bình đẳng giới và vai trò của nữ ĐBQH.

Đồng thời, báo cáo viên chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động, xây dựng hình ảnh xuất hiện trước các phương tiện truyền thông, tạo quan hệ với báo chí. Bên cạnh đó, các ứng cử viên thực hành một số kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên ĐBQH như kỹ năng tiếp xúc với báo chí, xây dựng chương trình hành động.  

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chưa đạt như mong muốn ảnh 1  Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội thảo, sáng 15-4-2021. Ảnh: ĐÌNH LÝ 

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Bình đẳng giới là quyền con người, mục tiêu phấn đấu của các quốc gia, thước đo đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển xã hội. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng, then chốt, không chỉ đem lại quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong lĩnh vực này mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ có tiếng nói đại diện cho giới mình, phát huy được kinh nghiệm của mình trong quyết định chính sách.

Việt Nam xác định bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam luôn quan tâm tới việc thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Hiến pháp, hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới đã tạo khuôn khổ pháp lý cho phụ nữ phát triển, tham gia lĩnh vực chính trị và thúc đẩy bình đẳng giới.

Tuy nhiên, giữa quy định pháp luật và thực tiễn vẫn còn khoảng cách nhất định. Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Cụ thể, tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV là 26,72%, tỷ lệ nữ HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn khóa trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu 30% theo như mong muốn.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thì tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu phải đảm bảo tối thiểu 35%. Đến thời điểm hiện nay, tiến hành hiệp thương lần 3, chưa có số liệu tổng hợp tỷ lệ nữ ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND các cấp trong cả nước. Do đó, để đạt tỷ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước và đạt mục tiêu 30% như mong muốn là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao. Điều quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của các nữ ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.

“Với mong muốn tăng cường tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội nói riêng và cơ quan dân cử nói chung, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho các nữ ứng cử viên”, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp chưa đạt như mong muốn ảnh 2 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ về kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử tại hội thảo, sáng 15-4-2021. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Tại hội thảo, chia sẻ về kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử ĐBQH khóa XIV Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho rằng, ứng cử viên cần trang bị cho mình những kỹ năng trong vận động cử tri. Đó là thu thập thông tin đầy đủ về tình hình địa phương; nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan; kỹ năng, trình bày thuyết phục rõ ràng (chương trình hành động rõ ràng); kỹ năng lắng nghe (ghi chép, trả lời); kỹ năng giao tiếp.

ĐBQH khóa XIV Nguyễn Thanh Xuân cũng lưu ý các ứng cử viên một số điều nên làm và nên tránh khi tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử. Đó là cần đến sớm để nắm bắt những vấn đề cử tri đang quan tâm; chương trình hành động phải rõ ràng, trong đó thận trọng, cân nhắc khi hứa hẹn với cử tri; thể hiện sự dễ gần và gắn bó; giữ bình tĩnh khi cử tri chưa hiểu đúng về mình.

Tuy nhiên, ứng cử viên cần tránh trễ giờ, vắng mặt trong buổi tiếp xúc cử tri; chương trình hành động quá nhiều, dàn trải, hứa suông, hứa nhiều; hình thức, khuôn mẫu và những biểu hiện xa cách cử tri; tỏ thái độ mất bình tĩnh khi cử tri hiểu chưa đúng, nói nhiều về bản thân; tỏ ra mệt mỏi, thờ ơ thiếu tập trung lắng nghe trong khi tiếp xúc cử tri.

Tin cùng chuyên mục