UBND TPHCM đề nghị tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường

Chương trình Sữa học đường gián đoạn trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19, bù đắp lại, UBND TPHCM đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Sữa học đường từ học kỳ 1 năm học 2020-2021 đến hết tháng 12-2020.

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi HĐND TPHCM về tiếp tục thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TPHCM.

Theo đề án, thời gian thực hiện chương trình Sữa học đường là học kỳ 1 năm học 2019-2020; đối tượng triển khai là trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1. Phạm vi triển khai trên địa bàn 10 quận, huyện: quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu kéo dài nên việc triển khai uống Sữa học đường chỉ bắt đầu thực hiện từ ngày 1-11-2019 đến hết học kỳ 1 năm học 2019-2020 (khoảng 2 tháng).

Do học sinh chỉ được uống trong thời gian ngắn, nên TPHCM đã điều chỉnh, tiếp tục triển khai đề án đến hết học kỳ 2 năm học 2019-2020, đối tượng thụ hưởng và địa bàn thực hiện không thay đổi (toàn bộ thời gian thực hiện chương trình tương ứng khoảng 6,5 tháng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian tạm nghỉ học của học sinh bị kéo dài, kéo theo việc triển khai uống sữa học kỳ 2 năm học 2019- 2020 tiếp tục bị gián đoạn (bắt đầu trở lại từ ngày 25-5 và sẽ kết thúc vào ngày 15-7). Như vậy, tổng thời gian uống sữa thực tế cả 2 học kỳ năm học 2019-2020 của học sinh chỉ được khoảng 4 tháng.

Ngoài ra, khi kết thúc học kỳ 2 năm học 2019-2020 cũng là thời điểm kết thúc Đề án Chương trình Sữa học đường nhưng quy mô thực hiện vẫn chỉ trên 10 quận, huyện, chưa triển khai đầy đủ 24 quận, huyện.

UBND TPHCM đề nghị tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường ảnh 1 UBND TPHCM đề nghị tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường trong học kỳ 1 năm học 2020-2021, bù đắp lại thời gian học sinh nghỉ học vì Covid-19 trong năm học 2019-2020

Để có thêm thời gian đánh giá việc thực hiện Đề án và tạo điều kiện cho học sinh uống sữa liên tục, không bị gián đoạn, UBND TPHCM đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Đề án từ học kỳ 1 năm học 2020-2021 đến hết tháng 12-2020 cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 của TPHCM. Việc thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: 

Giai đoạn 1: Tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đề án Chương trình Sữa học đường trong tháng 9, tháng 10 của năm học 2020 - 2021, cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập tham gia Đề án.

Giai đoạn 2: Tiếp tục kéo dài Đề án Chương trình Sữa học đường trong tháng 11 và tháng 12 của năm học 2020-2021, cho trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 trên địa bàn 24 quận, huyện; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập tham gia Đề án.

Có 132.818 trẻ em tiếp cận Sữa học đường

Tổng kết học kỳ 1 năm học 2019-2020, có 1.516/2.052 trường tham gia chương trình (đạt 74%) tương ứng với 132.818/254.350 trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 tham gia uống sữa (đạt tỷ lệ 52%). Số lượng sữa đã cung cấp là hơn 6,4 triệu hộp (đạt 32%), do thời gian uống sữa học kỳ 1 bắt đầu từ ngày 1-11-2019 (trễ gần 2 tháng) 

- Đến ngày 12-6, có 892/2.046 trường tham gia chương trình (đạt 44%) tương ứng 109.484/238.751 học sinh (đạt 46%). Số lượng sữa đã cung cấp là gần 8,8 triệu hộp (đạt 44%), tương ứng với số tiền là hơn 42 tỷ đồng. 

- Dự ước đến 15-7, với số lượng học sinh tham gia là 109.484 em, số lượng sữa cung cấp là hơn 11 triệu hộp (đạt 56%), tương ứng với số tiền là 53,7 tỷ đồng. 

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em

Nhằm đánh giá hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em, Ban Chỉ đạo Đề án đã tổ chức khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mầm non, học sinh tiểu học lớp 1 trước khi tham gia chương trình và sau thời gian uống sữa. Khi bắt đầu triển khai chương trình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã thu thập và phân tích dữ liệu tình trạng dinh dưỡng của 94.441 trẻ thuộc 1.197 trường mầm non và 44.112 trẻ thuộc 240 trường tiểu học đăng ký tham gia chương trình tại 10 quận, huyện. Tỷ lệ trẻ mầm non dưới 5 tuổi bị suy giảm dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, gầy còm, thừa cân và béo phì tương ứng lần lượt là 1,9%; 5,5%; 2,4%; 11,5% và 8,3%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm, thấp còi, thừa cân và béo phì ở trẻ trên 5 tuổi lần lượt là 2,1%; 6%; 21,1%; 24,3%. Tỷ lệ này ở học sinh lớp 1 lần lượt là 4,1%; 2,1%; 19,6% và 25,9%.  

Sau khi trẻ em, học sinh tham gia chương trình Sữa học đường trong thời gian đủ dài và liên tục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá tình trạng dinh dưỡng.

Tin cùng chuyên mục