Đề xuất thu phí ôtô vào trong trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025

Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, UBND TP trình đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân với tổng kinh phí gần 393.800 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển xe buýt và thực hiện một số giải pháp, trong đó có giải pháp đột phá là thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TPHCM. Đây sẽ là cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại trung tâm.

Đề xuất thu phí ôtô vào trong trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025

Kiểm soát sử dụng xe cá nhân để giảm kẹt xe

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng nay (9-7), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Đồng chí cũng chia sẻ, tại kỳ họp này, UBND TP trình nhiều tờ trình, như tờ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 01/2008 ngày 16-3-2008 của HĐND TP về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để xe ô tô trên địa bàn và quy định tỷ lệ để lại phục vụ công tác phí.

Đặc biệt là tờ trình về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố (gọi tắt là đề án).

Đề xuất thu phí ôtô vào trong trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025 ảnh 1 Phó Chủ tịch UBNDTPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo UBND TP, đây là một đề án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP và có nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi, đời sống hàng ngày của người dân thành phố, thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.

UBND TP khẳng định, những năm qua, TPHCM từng bước đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại. Mạng lưới đường vành đai, xuyên tâm, đô thị được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới. Chất lượng dịch vụ giao thông công cộng từng bước phát triển qua đầu tư phương tiện, hợp lý hóa luồng tuyến, thực hiện chính sách trợ giá vé xe buýt cho người dân sử dụng...

Song, TPHCM đang đứng trước những khó khăn về giao thông đô thị, đặc biệt là phương tiện cá nhân tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận đạt tỷ lệ thấp nhu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải, cũng như việc gia tăng các loại phương tiện giao thông cơ giới có chất lượng khí thải kém đang ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân đô thị. 

Đề xuất thu phí ôtô vào trong trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025 ảnh 2 TPHCM đang đứng trước những khó khăn về giao thông đô thị, đặc biệt là phương tiện cá nhân tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận đạt tỷ lệ thấp nhu cầu
“Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu thực hiện đề án, nhằm nhận diện các nguy cơ về giao thông đô thị đối với TPHCM trong thời gian tới, xây dựng kịch bản phát triển và đề xuất lựa chọn kịch bản phù hợp làm cơ sở triển khai thực hiện ngay từ giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030”, tờ trình nêu rõ.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng các giải pháp cấp bách và dài hạn để tăng cường vận tải hành khách công cộng, đồng thời kiểm soát sử dụng xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Đề án xác định khu vực nghiên cứu, thực hiện chủ yếu vùng nội thành, các trục hướng tâm chính vào thành phố, khu vực cảng hàng không và khu vực cảng biển. Thời gian là trong giai đoạn 2021-2030.

Kiểm tra khí thải và tổ chức lại giao thông cho xe gắn máy

Theo UBND TP, đề án này được chuẩn bị từ nhiều năm qua, trong đó Sở GTVT (cơ quan chủ trì đề án) tổ chức khảo sát, điều tra, phỏng vấn hộ gia đình; đo đếm lưu lượng xe tại 20 nút giao thông và các tuyến giao thông trọng điểm. Cùng với đó là lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về dự thảo đề án thông qua các buổi báo cáo và tiến hành điều tra xã hội học, lấy ý kiến người dân. Bên cạnh đó là phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo đề án.

Trong suốt quá trình khảo sát, nghiên cứu, xây dựng đề án (từ cuối năm 2015), các đại biểu và chuyên gia đều đồng thuận với chủ trương cần tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát sử dụng xe cá nhân những cũng có một số nội dung góp ý bổ sung.

Về giải pháp, đề án đã đưa ra nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng có 17 giải pháp như đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; đa dạng hóa các loại hình vận tải thủy; phát triển xe minibus; bố trí làn riêng ưu tiên cho xe buýt… để phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Song song đó là nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, với 3 giải pháp. Trong đó có 2 giải pháp về kinh tế, gồm tổ chức thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của ô tô, xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh và thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, đề án cũng đề xuất giải pháp hành chính là kiểm soát hoạt động của xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng.

Đề xuất thu phí ôtô vào trong trung tâm TPHCM trong giai đoạn 2021-2025 ảnh 3 Một điểm đậu xe thu phí trên đường Lê Lai (quận 1). Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề án đề xuất sẽ thực hiện ngay từ năm 2021. Nhưng, trong giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển xe buýt và thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại trung tâm.

Trong giai đoạn 2026-2030 sẽ kiểm soát xe cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.

Đề án dự toán, tổng kinh phí phí thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 vào gần 393.800 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước là hơn 47.640 tỷ đồng  ưu tiên dành cho phát triển vận tải hành khách công cộng.

Để có sơ sở phê duyệt đề án nêu trên, UBDN TP trình HĐND TP xem xét quyết định một số nội dung cụ thể. Về mục tiêu thì vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25% nhu cầu đi lại vào năm 2030.

Về giải pháp UBND TP đề xuất được triển khai một số giải pháp có tính đột phá, gồm thu phí xe ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là việc phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030. 

Báo cáo thẩm tra tờ trình tại kỳ họp, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên khẳng định, qua thẩm tra, Ban Đô thị nhận thấy các nội dung trong tờ trình về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM, là phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP.

Ban Đô thị cũng đồng tình, phát triển giao thông công cộng phải kết hợp, đi đôi với hạn chế xe cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Trong đó, phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn (metro, monorail...) sẽ đảm bảo phát triển vận tải hành khách công cộng bền vững.

Ngoài ra, các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế cần được kết hợp hài hòa và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong kiểm soát sử dụng xe ô tô con, xe mô tô và xe gắn máy. Công việc này phải thực hiện từng bước, có lộ trình cụ thể và có sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, việc tổ chức kiểm soát sử dụng xe cá nhân chỉ thực hiện khi đạt được các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng (bãi đỗ xe, kết nối các phương thức khác...).

Ban Đô thị cũng đồng tình với các thu phí xe ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm (trong giai đoạn 2021-2025) và phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường (giai đoạn 2021-2030).

Tin cùng chuyên mục