Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính: Vẫn chạy theo phong trào

Phần mềm: in được biểu mẫu là tốt rồi!
Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính: Vẫn chạy theo phong trào

Được hỏi về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thủ tục hành chính, một lãnh đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM lắc đầu: “Chỉ mỗi việc lấy ý kiến quận huyện về một số lĩnh vực, mà hầu hết phải gửi bằng đường thư và phải chờ 10-20 ngày, có khi dài hơn. Hồ sơ của người dân không bị “ngâm” mới là… chuyện lạ!”.

Phần mềm: in được biểu mẫu là tốt rồi!

Ở nhiều quận huyện, dù có máy vi tính nhưng cán bộ công chức (CBCC) vẫn giải quyết hồ sơ thủ tục bằng cách… thủ công. Anh Đỗ Thế Huấn, Phó Văn phòng UBND Q12 cho biết giữa quận và phường vẫn chưa kết nối, có phường chỉ mới được trang bị 1 - 2 máy vi tính dùng chung cho văn phòng. Về phần mềm, quận mới chỉ có phần mềm hộ tịch do Sở Tư pháp triển khai. Hiện Q12 đã tổ chức liên thông trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các phường, nhưng CBCC phường vẫn giải quyết theo cách cũ. Một cán bộ phường còn cho rằng, phần mềm để in được biểu mẫu là tốt rồi! Đối với không ít CBCC ở phường, khái niệm thông qua phần mềm để tích hợp thông tin, phục vụ tra cứu, chia sẻ thông tin giữa các phòng chuyên môn… vẫn còn khá lạ.

Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính: Vẫn chạy theo phong trào ảnh 1

Nhiều nơi cán bộ vẫn giải quyết thủ tục hành chính bằng phương pháp thủ công.

Còn ở Q.Bình Tân, cán bộ phụ trách CCHC quận phản ánh, các phần mềm về cấp phép xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm… đến nay vẫn còn trong tình trạng “đang xây dựng và chờ phê duyệt”… Ở Q.Tân Phú, theo ông Lê Văn Trung, Chánh Văn phòng UBND quận, để kết nối với hệ thống của TP, quận phải trang bị thêm rất nhiều.

Tình hình thực tế mỗi nơi mỗi khác nên việc ứng dụng một cấu trúc phần mềm chung cũng khiến nhiều huyện khó xử. Một cán bộ UBND huyện Nhà Bè bày tỏ: “Các phần mềm trong giải quyết thủ tục nhà đất của ngoại thành cũng được làm như nội thành sẽ gây khó cho chúng tôi. Như mảng tách thửa, mà đặc trưng Nhà Bè là đất nông nghiệp, đưa phần mềm sử dụng trong nội thành vào rất khó thích ứng”.

Trong khi đó thì các quận huyện lại gặp thêm cái khó nữa là, mỗi nơi sử dụng một đường truyền khác nhau. Q9 sử dụng đường truyền ADSL có thể kết nối với bên ngoài, Q.Bình Tân thì sử dụng đường truyền kín trong nội bộ quận… Các đường truyền của quận huyện thường có dung lượng truyền tải nhỏ nên khi kết nối vào mạng thông tin chung của TP còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, theo các quận huyện, thủ tục xét duyệt dự án CNTT của Sở Bưu chính-Viễn thông (BC-VT) quá chậm, rất khó để trang bị cho đồng bộ máy móc, phần mềm cho đơn vị phục vụ công việc.

Kiến thức CNTT: sơ khai

Theo thống kê tạm của một cán bộ Phòng ứng dụng CNTT, Sở BC-VT, gần như 90% CBCC không có khái niệm ứng dụng phần mềm để xử lý, chia sẻ công việc qua mạng. Sau khi phần mềm được nghiệm thu, chỉnh sửa, đơn vị tư vấn phải hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp trên máy, bằng hồ sơ thật cho từng chuyên viên các phòng ban. Việc hướng dẫn thường kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần và không phải lúc nào cũng thực hiện được, vì các chuyên viên quá bận. Nhiều trường hợp sau một thời gian xử lý hồ sơ bằng CNTT thì đã quay trở lại cách làm thủ công với lý do: sử dụng máy tính lâu hơn làm bằng tay. Và thế là hệ thống không thể tiếp tục vận hành.

Cán bộ phụ trách CNTT lại khó tuyển nên nhiều nơi “cưng như trứng mỏng”, gửi đi đào tạo nhiều nơi. Một thời gian sau, những cán bộ này lặng lẽ nộp đơn nghỉ việc, ra ngoài làm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng ứng dụng CNTT, Sở BC-VT cho biết: “Chúng tôi đào tạo xong thì cứ mất dần dần cán bộ CNTT, nhiều quận mất đến 60%-70%, thậm chí có nơi 90%. Nguyên nhân chủ yếu là vì thu nhập thấp”.

Thủ tục “hành” công nghệ

Trong khi đó, thủ tục hành chính lại thay đổi liên tục khiến phần mềm cũng phải “xoay như chong chóng”. Nhiều cán bộ tư pháp quận huyện phản ánh: chỉ một đợt đổi biểu mẫu hộ tịch (giấy khai sinh, đăng ký kết hôn) từ khổ giấy A5 sang A4, các quận huyện cũng phải thay đổi lại phần mềm, vì phần mềm hộ tịch do Sở Tư pháp triển khai lâu nay không thể in bản sao giấy khai sinh được.

Sự thay đổi liên tục thủ tục trong lĩnh vực xây dựng và nhà đất làm các cán bộ phụ trách CNTT đau đầu. Ông Nguyễn Anh Tuấn làm một liệt kê nho nhỏ: đang xây dựng phần mềm theo Nghị định 60, chuẩn bị triển khai thì Nghị định 181 ra đời, chưa kịp chỉnh sửa thì Nghị định 90, rồi Nghị định 84 tiếp tục ra đời. Thời gian này, TPHCM tiếp tục có Quyết định 54 hướng dẫn quy trình thủ tục hồ sơ giải quyết thủ tục nhà ở, đất ở theo Nghị định 90. Mà mỗi phần mềm muốn xây dựng phải mất thời gian gần một năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để ứng dụng CNTT thành công đòi hỏi phải có sự đồng bộ. Trong đó, quy trình biểu mẫu phải rõ ràng. Năm nay ngân sách tiếp tục chi hơn 13,2 tỷ đồng để hỗ trợ CNTT các quận huyện triển khai ứng dụng CNTT ở các lĩnh vực “nóng” như: đất đai, xây dựng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm hành chính lĩnh vực đô thị, khiếu nại tố cáo, cấp phép kinh doanh…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất theo ông Nguyễn Anh Tuấn, vẫn là con người. Vì thay đổi một thói quen, lề lối, phong cách làm việc không phải là điều dễ dàng. Ở quận huyện sở ngành nào mà lãnh đạo quan tâm nhiều đến CNTT và có biện pháp thực hiện quyết liệt thì nơi đó có thể thành công. “Có tiền, có máy móc, có phần mềm nhưng lãnh đạo không quyết liệt triển khai và có biện pháp chế tài thì CNTT cũng chỉ là phong trào thực hiện cho vui mà thôi”, một lãnh đạo Sở BC-VT nhìn nhận.

Hồng Hiệp

Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP:
Cần công khai quy trình thủ tục trên mạng

Thủ tục hồ sơ thông thường phải bổ sung nhiều lần, không chỉ người dân mà các cơ quan nhà nước cũng bị “hành”, cứ vài tháng là sở này ngành nọ lại gọi lên để bổ sung hồ sơ. Tại sao không công khai thông tin hết trên mạng để các cơ quan đơn vị, người dân đều biết sẽ phải làm gì, quy trình ra sao, lấy ý kiến của đơn vị khác như thế nào, phòng ban nào sẽ giải quyết… Sắp tới Ban Chỉ đạo CCHC TP sẽ nghiên cứu và trình UBND TP kế hoạch công bố các công trình nào có liên quan, phải lấy ý kiến lẫn nhau giữa các sở ngành, quận huyện để công khai trên mạng, tránh tình trạng công chức giải quyết chậm cho người dân, tổ chức, lại đổ thừa do phải đi lấy ý kiến nhiều nơi. Không nên để công chức liên hệ trực tiếp người dân, DN yêu cầu bổ sung hồ sơ, tất cả phải qua hệ thống văn thư hoặc công khai trên mạng. Muốn được vậy, điều tiên quyết là hoàn thiện hệ thống CNTT trong nội bộ đơn vị và giữa các đơn vị với nhau.

Tin cùng chuyên mục