
Tại TPHCM, xăng sinh học E5 (xăng pha etanol) có mặt trên thị trường cùng và các nguyên liệu sạch khác như LPG (khí đốt hóa lỏng) và CNG (khí nén thiên nhiên) đã được ứng dụng trên taxi và xe buýt… Tuy nhiên thực tế việc sử dụng nhiên liệu sinh học cho các loại phương tiện vận tải công cộng vẫn còn nhiều hạn chế.
- Tiếp tục chờ
Nhìn lại những chuyển biến trong sử dụng nguyên liệu sạch trên các phương tiện vận tải công cộng ở TPHCM cho thấy, năm 2004, Công ty Petrolimex đã thành lập đội taxi với hơn 150 đầu xe sử dụng nhiên liệu LPG và có một trạm bơm LPG tại ngã tư Hàng Xanh. Cùng thời điểm, Công ty UP Gas đầu tư 1 trạm LPG tại sân bay Tân Sơn Nhất và chuyển đổi cho gần 300 taxi của SASCO sang chạy bằng LPG. Năm 2008 - 2009, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Cửu Long đã chuyển đổi và đưa vào hoạt động 350 taxi sử dụng LPG…

Công ty Vận tải dầu khí Cửu Long là một trong những đơn vị tiên phong giới thiệu nguyên liệu sạch cho ôtô. Ảnh: T.BA
Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM, ngày 16-8 TP dự kiến đưa vào hoạt động 21 xe buýt chạy bằng CNG mới 100% của Công ty Xe khách Sài Gòn trên tuyến xe buýt Sài Gòn - Bình Tây. Tuy nhiên đến nay, 21 xe buýt chạy bằng CNG nói trên vẫn chưa nhập về Việt Nam. Cùng cảnh ngộ, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM có kế hoạch đầu tư 29 xe chạy CNG cũng nằm trong tình cảnh tương tự do gặp trở ngại trong việc nhập xe buýt chạy CNG từ Hàn Quốc.
Như thế việc đưa vào sử dụng 50 xe buýt chạy CNG và được đánh giá sẽ tiết kiệm khoảng 30% chi phí nhiên liệu, đồng thời góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt và bảo vệ môi trường… tại TPHCM vẫn tiếp tục phải chờ.
- Phải sử dụng nhiên liệu sạch
Tại một cuộc hội thảo gần đây về sử dụng năng lượng sạch tại TPHCM do Sở GTVT và Sở KH-CN TPHCM tổ chức, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM đánh giá, TPHCM có thể tiết kiệm được 26 tỷ đồng tiền xăng dầu mỗi ngày nếu mỗi ô tô giảm 1 lít xăng/dầu và 0,25 lít xăng/xe gắn máy.
|
Để thực hiện tốt việc tiết kiệm năng lượng cho ngành GTVT, theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, TP cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn. Trong đó, cần bắt đầu từ việc tuyên truyền ý thức sử dụng hiệu quả năng lượng đến các đối tượng sử dụng phương tiện giao thông vận tải, cả phương tiện cá nhân và công cộng. Tiếp theo đó, việc đầu tư phát triển các phương tiện vận tải công cộng là vô cùng cần thiết, vừa tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, vừa giải quyết được bài toán kẹt xe. Giải pháp quan trọng hơn nữa là ứng dụng công nghệ mới sử dụng nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông công cộng đầu tư mới như xe buýt, taxi, xe tải…
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng, trong lĩnh vực giao thông vận tải, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch tiết kiệm năng lượng thông qua việc khai thác tối ưu mạng lưới giao thông; hợp lý hóa phương tiện giao thông vận tải. Trong các chương trình trên, nếu ứng dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng nhiên liệu sinh học làm nhiên liệu thay thế thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành có thể lên đến 30%.
Hơn nữa, ngành GTVT cũng là một trong những đối tượng chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… nên đẩy nhanh tiến độ thay thế các phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch cũng như ứng dụng các loại nguyên liệu sinh học hạn chế gây ô nhiễm môi trường là điều cần thiết.
BÁ TÂN