Ứng phó với bất trắc

Diễn biến kinh tế 2 tháng đầu năm 2018 cho thấy nhiều điểm tích cực: xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng, chỉ số công nghiệp tiếp tục tăng cao, lượt khách quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017… 
Nhờ vậy các khoản thu ngân sách 2 tháng đầu năm nay đều tăng và ở trạng thái thặng dư hàng chục ngàn tỷ đồng. Với đà này, cơ quan chức năng tự tin tăng trưởng GDP quý 1 năm nay sẽ tương đương như cuối năm 2017, có thể chạm ngưỡng 8%.

Điểm xuất phát nền kinh tế trong năm mới tương đối thuận lợi, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ trạng thái băn khoăn: lạm phát 2 tháng đầu năm tăng 1,24% so với cuối năm 2017, là mức cao nhất trong 4 năm qua, cao hơn hẳn các nước trong khu vực và xu thế có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Về năng suất lao động, theo nhiều thống kê gần đây, nước ta chỉ bằng 7,1% Singapore, 16,7% Malaysia, 1/3 Thái Lan… Trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng ngày càng suy giảm, tài nguyên đã khai thác đến ngưỡng, lợi thế lao động giá rẻ bị nguồn lực tự động hóa lấn lướt, nước ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Một yếu tố khác gây âu lo là tình trạng bất định của nền kinh tế toàn cầu. Với tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ D.Trump về áp thuế thương mại đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước, phòng vệ thương mại thì thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, sẽ bị chao đảo nặng nề. Theo tính toán của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) mới công bố, cho rằng dự luật thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới khoảng 50% lượng vốn FDI toàn cầu, làm dịch chuyển 2.000 tỷ USD tiền mặt của các công ty Mỹ ở nước ngoài quay trở lại nước này, làm suy giảm lượng vốn FDI trên bình diện rộng.

Trước xu hướng ấy nước ta phòng bị và có đối sách ra sao nếu tình hình diễn biến xấu? Một điểm đáng ghi nhận là mới đây, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2018, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu, khẩn trương đề xuất các nhiệm vụ, đối sách kịp thời trước việc Mỹ và nhiều nước đang điều chỉnh chính sách, thậm chí có thể nổ ra chiến tranh thương mại; chỉ đạo các ngành liên quan sớm nghiên cứu xây dựng giải pháp ứng phó các bất trắc, có kịch bản cụ thể giải quyết vấn đề này.

Thế giới đầy biến động nhưng nhìn lại chính mình, chúng ta vẫn thấy nhiều điều nuối tiếc: Cải cách thể chế nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng với tinh thần phục vụ doanh nghiệp vẫn chưa như kỳ vọng. Hơn lúc nào hết cần tháo gỡ những trói buộc với doanh nghiệp bằng giấy phép con, điều kiện kinh doanh, thanh kiểm tra làm tăng chi phí doanh nghiệp, không thúc đẩy hào khí khởi nghiệp. Đến nay kinh tế tư nhân ngày càng phát triển nhưng cũng chỉ chiếm 8% GDP, trong đó số doanh nghiệp nhỏ li ti phần lớn, không thể “chiến đấu” trên thương trường. Ta đạt FDI trong năm qua mức kỷ lục, thành tích xuất khẩu cũng vậy (425 tỷ USD) nhưng thế mạnh này vẫn nghiêng về phía FDI, giá trị gia tăng Việt Nam được hưởng rất thấp.

Để đứng trên đôi chân của mình, Việt Nam không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư bằng cách “trải thảm” ồ ạt mà phải có chiến lược khác, chọn lọc khắt khe hơn, đối xử bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Không chối bỏ thực tế là nước ta cần đẩy mạnh tăng trưởng. Tăng trưởng cao mới thu ngân sách cao, tạo thêm việc làm mới cho xã hội, có điều kiện giảm nợ công và cân đối vĩ mô an toàn, giải quyết tốt hơn an sinh xã hội… Tuy nhiên, trong tình thế mới, để ứng phó hiệu quả các bất trắc, nước ta cần xây dựng chiến lược phát triển với tư duy mới, lộ trình rõ ràng, đi sâu vào các thế mạnh hiện có: nông nghiệp xanh và công nghệ cao, du lịch tầm vóc đẳng cấp, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ tương thích với công nghiệp 4.0.

Chính phủ đang rất quyết liệt cải cách doanh nghiệp nhà nước bằng việc cổ phần hóa, thoái vốn nhưng vẫn chậm lụt, phần vốn nhà nước mới thoái khoảng 8%. Cần nhận thức rõ mục tiêu cổ phần hóa là để nguồn lực nhà nước đi vào các khu vực kinh tế sử dụng hiệu quả hơn, mang lại sự thay đổi lớn về quản trị, điều hành, xây dựng thương hiệu tầm vóc quốc tế… từ đó thúc đẩy mạnh mẽ và lột xác nền kinh tế. Phải xem mục tiêu phát triển đất nước vững mạnh là tối thượng.

Kết quả cải cách và phát triển kinh tế nước ta 2 năm qua là đáng trân trọng, bước đầu đã chuyển động và định hình mô hình tăng trưởng mới, tuy nhiên đích đến còn khá xa. Yêu cầu thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước phát triển là khát vọng lớn của người dân. Để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, các chuyên gia chỉ ra rằng cần đạt tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 8%-10%, duy trì liên tục trong khoảng 15-20 năm. Điều này là khó, nhưng trước hết phải làm tốt nhất những việc đã nhìn nhận, đề ra: chuyển đổi nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập với định hướng XHCN; tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế; Nhà nước không làm thay doanh nghiệp mà tạo điều kiện các thành phần kinh tế tham gia với ưu thế của mình; xử lý các điểm nghẽn đang tồn tại và xây dựng thể chế thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong bối cảnh mới.

Người Việt đang khát khao trở thành “con hổ” mới ở châu Á. Không phải nội lực đất nước thiếu, vấn đề là tạo chất xúc tác để tiềm năng trở thành thế mạnh thực chất. Đó cũng là một cách ứng phó hiệu quả với những bất trắc trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp hiện nay.

Tin cùng chuyên mục