Ứng viên tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc đối diện nhiều nhiệm vụ nặng nề

Tối 6-10, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua việc đề cử ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, làm Tổng thư ký (TTK) LHQ nhiệm kỳ 2017-2021. Chức vụ này chỉ còn chờ Đại hội đồng LHQ thông qua theo thủ tục vào tuần tới. Trước đó, trong 6 vòng bỏ phiếu tại HĐBA LHQ, ông Antonio Guterres đều bỏ xa 9 ứng viên khác.
Ứng viên tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc đối diện nhiều nhiệm vụ nặng nề

Tối 6-10, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua việc đề cử ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, làm Tổng thư ký (TTK) LHQ nhiệm kỳ 2017-2021. Chức vụ này chỉ còn chờ Đại hội đồng LHQ thông qua theo thủ tục vào tuần tới. Trước đó, trong 6 vòng bỏ phiếu tại HĐBA LHQ, ông Antonio Guterres đều bỏ xa 9 ứng viên khác.

Giàu kinh nghiệm

Ông Antonio Guterres sẽ là TTK LHQ đầu tiên xuất thân từ lãnh đạo của một quốc gia. Với kinh nghiệm của người lãnh đạo Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) trong 11 năm, nhiều nhà quan sát tin rằng TTK LHQ mới sẽ có khả năng thu hút thêm nhiều nguồn lực để giúp đỡ những người tị nạn Syria. Bà Kathy Calvin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ UN Foundation, từng làm việc chung với ông Guterres vào năm 2009 về sáng kiến điều hành mạng lưới chống sốt rét ở các trại tị nạn. Theo bà Calvin, ông Guterres có tính sáng tạo và tinh thần cải cách nhằm đưa tiền viện trợ tới tận tay người cần nhận. Còn theo ông Richard Gowan, thành viên cấp cao Hội đồng quan hệ đối ngoại, ông Guterres từng là thủ tướng nên có tính độc lập và suy nghĩ tự chủ hơn người tiền nhiệm, lại có nhiều kinh nghiệm về điều hành khủng hoảng nhân đạo nên có thể xử lý tốt các cuộc khủng hoảng đòi hỏi có vai trò của LHQ.  

Ông Antonio Guterres trong một lần thăm trại tị nạn của người Syria tại Hy Lạp

Theo ông Guterres, những năm làm việc ở Cao ủy tị nạn LHQ mang lại cho ông những kinh nghiệm rất quý báu. “Đó là công việc hấp dẫn nhất mà bạn có thể có, và tôi đã đạt được rất nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với tất cả các cuộc khủng hoảng và tất cả các chính phủ”, ông nói. Ông Guterres cho biết, ông cảm thấy có nghĩa vụ phải làm một điều gì đó để giúp những người đang đau khổ tận cùng, như những người tị nạn. Và nơi mà ông có thể đóng góp nhiều nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu là tại LHQ, nên ông quyết định tranh cử làm TTK LHQ.

Không có “tuần trăng mật”

Theo nhận định của tạp chí Time, sẽ không có “tuần trăng mật” sau khi ông Guterres nhậm chức thay thế ông Ban Ki-moon vào tháng 1-2017. Ông Guterres phải điều hành LHQ xử lý các cuộc khủng hoảng khu vực đang ngày càng trầm trọng. Nổi bật là các vấn đề Syria, biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố đang trỗi dậy toàn cầu và đặc biệt là căng thẳng giữa Nga - phương Tây chưa có hồi kết... Bao trùm tất cả vẫn là khủng hoảng di cư.

Trong diễn văn đọc trước HĐBA LHQ sau khi được chính thức đề cử làm TTK LHQ, ông Guterres thừa nhận ông sắp đối mặt với rất nhiều thách thức và hy vọng được làm việc trong sự đoàn kết và đồng thuận trong nhiệm kỳ của mình. Thật vậy, sự chia rẽ ở LHQ, đặc biệt là ở HĐBA LHQ, nhiều lúc đã gây bế tắc trong việc giải quyết nhiều vấn đề lớn của thế giới. Theo ông Guterres, một nền “ngoại giao hòa bình” mới đòi hỏi phải tiếp xúc ngoại giao kín đáo và con thoi giữa các bên chủ chốt trong các cuộc xung đột và tranh chấp. Cũng theo ông Guterres, TTK LHQ cũng nên tham gia càng nhiều càng tốt và “hành động với sự khiêm nhường để cố gắng tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thể đến với nhau và vượt qua những khác biệt”.

Ông được ghi nhận là đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi để buộc các nước giàu nhất phải giúp đỡ nhiều hơn cho những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn những cuộc xung đột, nghèo đói và thiên tai. Tuy nhiên, ở chức vụ là người đứng đầu LHQ, ông Guterres sẽ  phải bao quát nhiều công việc hơn là chỉ ở khía cạnh xử lý khủng hoảng nhân đạo.

Ông Antonio Guterres sinh năm 1949 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, học chuyên ngành kỹ sư vật lý. Năm 1995, 3 năm sau khi được bầu làm tổng thư ký đảng Xã hội, ông giữ chức thủ tướng Bồ Đào Nha cho đến năm 2002. Ông thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Ông phụ trách UNHCR từ năm 2005 - 2015.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục