Ủy ban Pháp luật thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Xử theo tập quán có khả thi?

(SGGPO).- Tiếp tục cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, nhiều ý kiến tại phiên họp sáng 22-8 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy định “Tòa án nhân dân không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (Điều 5 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi).

Theo đó, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, Tòa án sử dụng quy định về áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật (…) và dựa trên lẽ công bằng để xem xét, giải quyết.

Tại phiên họp, tuy ủng hộ quan điểm cho rằng tòa án phải giải quyết cho người dân, nhưng ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nêu vấn đề: “Liệu tòa có đủ cơ sở để xử lý mọi vụ việc hay không, vì tòa án hiện nay chưa được giao thẩm quyền giải thích pháp luật. Mà nói lẽ công bằng thì có thể rất chủ quan”.

Ông Lê Minh Trọng, Trưởng Đoàn ĐBQH Tây Ninh có cùng quan điểm: “Luật phải viết chặt chẽ, không là rối. Tập quán có thể rất khác nhau ở từng vùng miền. Lấy tập quán nào để phân xử”? Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trần Văn Độ ủng hộ quan điểm của Ban soạn thảo về vấn đề này, nhưng lại cho rằng nội dung này nên quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự. PGS.TS Ngô Huy Cương (khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng đây là “việc có thể làm được”.

Một nội dung khác được nhiều ý kiến tập trung phân tích liên quan đến hình thức sở hữu và chiếm hữu. Tuy đã biết quỹ thời gian không còn nhiều, nhưng ông Ngô Huy Cương vẫn “tha thiết đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa quy định về chiếm hữu vào Bộ luật”, bởi theo ông, sở hữu và chiếm hữu là hai khái niệm rất khác nhau. “Chẳng hạn, Trung Quốc đã chiếm hữu trái phép Hoàng Sa, nhưng họ không có quyền sở hữu. Còn trong đời sống kinh tế xã hội thì các tranh chấp về cho thuê tài chính, xử lý tài sản vô chủ… cũng sẽ rất “mắc”, khó giải quyết nếu không có sự phân định rạch ròi về chiếm hữu và sở hữu” – PGS. TS Ngô Huy Cương khuyến cáo.

Quyền sở hữu đối với bất động sản cũng là vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nói: “Khi soạn thảo Hiến pháp cũng đã có sự cân nhắc có nên coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản hay không; sau đó quyết định sẽ quy định về vấn đề này trong Bộ luật Dân sự. Quan điểm của tôi là nên và cần đưa nội dung đó vào Bộ luật này”.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục