Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Bộ Quốc phòng quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp công tác giữa hai bên trong xây dựng pháp luật; giám sát, khảo sát; trao đổi, cung cấp thông tin; công tác cán bộ; tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội các vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực quốc phòng thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, quy chế cũng nêu rõ nguyên tắc phối hợp giữa hai cơ quan là tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi bên theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, quy chế phối hợp sẽ giúp hai bên hoàn thành nhiệm vụ, chức năng theo quyền hạn được giao, phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm, sự chia sẻ, đồng thuận trong công việc vì mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc phòng và lợi ích quốc gia, dân tộc; có điều kiện để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó có vai trò của các đại biểu Quốc hội trong và ngoài quân đội đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cũng như Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp công tác hiệu quả trong thời gian qua.
Nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng năm 2022 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV rất nặng nề, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định, việc ký quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Bộ Quốc phòng là cơ sở để các cơ quan chức năng triển khai xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; qua đó, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì soạn thảo nhiều dự án luật và đã được Quốc hội xem xét, thông qua, như: Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Biên phòng Việt Nam... Các đạo luật đã góp phần thể chế chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.