Các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đã, đang gây ra những vấn đề an ninh, đe dọa hòa bình trong khu vực và cả thế giới.
Sáng 8-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC). Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng SOM Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và 26 đối tác trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN. Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới, khu vực và vai trò hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Covid-19 và hậu Covid-19. Qua đó, nhằm nâng cao vai trò hợp tác kênh quốc phòng – quân sự trong ARF cũng như sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa ARF và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì và điều hành hội nghị ASPC. Ảnh: T.B
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự lạc quan trước nỗ lực của ASPC, đồng thời tin tưởng “quyết tâm của chúng ta sẽ đẩy lùi Covid-19 và chúng ta sẽ có dịp gặp lại nhau tại Hà Nội ở các hội nghị cấp cao quốc phòng vào cuối năm 2020”.
Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên hội nghị phải tổ chức trực tuyến, nhưng đây là dịp quan trọng để tất cả cùng họp bàn về những vấn đề về an ninh khu vực.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh mỗi quốc gia và thế giới. Điều đó cho thấy an ninh thế giới và khu vực rất mong manh trước những thách thức của an ninh phi truyền thống. Với những gì đang diễn ra ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh của mỗi nước, và đòi hỏi tất cả các nước cần có những hợp tác, trong đó có hợp tác quốc phòng để giải quyết những thách thức hiện có và trong tương lai.
“An ninh mạng, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, an ninh biển, trong đó an ninh Biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực. Vì thế, phải xây dựng niềm tin, giải quyết mọi khúc mắc bằng hòa bình, vì lợi ích quốc gia và thế giới”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội. Ảnh: T.B Nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19, Thượng tướng cho biết, tại Việt Nam, việc đẩy lùi dịch bệnh có sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành, nhân dân, trong đó quốc phòng đóng vai trò tích cực và chủ động. Với nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã xúc tiến hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch Covid-19 trên cả bình diện song phương và đa phương một cách hiệu quả, ngày càng được mở rộng.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tuy dịch Covid-19 thu hút sự chú ý của thế giới, nhưng thực tế, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống khác vẫn tồn tại song song. Do đó, bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, các nước cần tiếp tục quan tâm không để các thách thức an ninh khác ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho biết ASPC chú trọng xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Từ khi thành lập (2004) đến nay, ASPC đã mở ra kênh đối thoại, trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng, nhà ngoại giao và các chuyên gia nghiên cứu quân sự. Mục tiêu chính của ASPC là đẩy mạnh hơn nữa hợp tác các biện pháp xây dựng lòng tin trong giới quân sự; mở các kênh đối thoại và trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng, chuyên gia quân sự; thúc đẩy và chứng minh vai trò của ARF.
Điểm cầu chính của hội nghị tại Hà Nội. Ảnh: T.B Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, với dịch Covid-19, thế giới đang đối diện với nhiều thách thức về an ninh, không chỉ an ninh truyền thống mà còn có những thách thức an ninh phi truyền thống, như môi trường, thiên tại, dịch bệnh, khủng bố, cướp biển, an ninh mang,.. ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đây là những thách thức xuyên quốc gia và các nước cần tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Với vấn đề Biển Đông, các ý kiến cho rằng, các nước liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng đối thoại hòa bình để có những giải pháp phù hợp, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế và quyền lợi của các bên liên quan; đảm bảo an ninh khu vực, an toàn hàng hải của toàn khu vực.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori phát biểu từ điểm cầu Nhật Bản. Ảnh: T.B
Từ điểm cầu Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori cho rằng, ARF đã và đang đóng vai trò tích cực trong các hoạt động, nhất là khi thế giới và khu vực đối mặt với nhiều khó khăn. Nhật Bản sẵn sàng hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng, đặc biệt trong vấn đề hàng hải ở Biển Đông đang làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Nhật Bản ủng hộ cách giải quyết hòa bình. Nhật Bản ủng hộ an ninh, an toàn hàng hải theo luật định quốc tế. Một tàu đánh cá Việt Nam bị chìm khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, hay vấn đề đạn đạo của Triều Tiên… đều là những vấn đề khiến thế giới quan ngại.
“Nhật Bản có lợi ích trong việc duy trì trật tự thế giới, vì thế chúng tôi mong muốn được hợp tác với tất cả các nước. Nhật Bản sẽ vì sự phát triển và phồn vinh trong khu vực nên Nhật Bản sẽ tăng cường chia sẻ thông tin minh bạch, hợp tác vào các tổ chức”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nishida Yasunori cho biết.
Cùng quan điểm, ông Guillaume Descot thuộc Cơ quan Hành động đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đã, đang gây ra những vấn đề an ninh, đe dọa hòa bình trong khu vực. EU kêu gọi các nước kiềm chế và thực hiện đúng các cam kết, tránh dùng vũ lực và các hành động gây căng thẳng. Nên thiết lập trật tự dựa trên các luật lệ quốc tế để tạo môi trường và lòng tin giữa quốc gia trong khu vực.
TRẦN BÌNH