Văn hóa ứng xử

Văn hóa nói và viết

"Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Từ xưa ông cha ta đã khuyên như vậy, và sợ lớp hậu sinh sẽ có người “nói không vừa lòng nhau” nên dạy thêm là phải “học ăn, học nói”.

Nhà thơ Tố Hữu trong lần chuyện trò với GS Hà Minh Đức về ngôn ngữ thi ca, ông bảo rằng “Từ ngữ cũng có thái độ, có yêu ghét. Ngôn ngữ không phải từ chết, nó có hồn và sự sống của nó. Tiếng Việt đẹp, tuyệt vời nói được đến cùng tình nghĩa trong đời sống tâm hồn”.

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp giữa người với người. Hơn nhau là ở tài vận dụng sự giàu có của tiếng mẹ đẻ. Nói ít mà sao cho tinh tế, toát ra được thần hồn, cho chữ đa sắc màu, đa tính chất và sinh động. Lời đã nói ra rồi là khó thể rút lại được. Vậy nên phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc. Và nhất là phải “học nói”.

Học thường xuyên, học suốt đời. “Nói” ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng, tức phát ra từ cửa miệng và viết ra trên giấy. Hiện nay trên báo chí, phóng viên viết ra cho người đọc và phóng viên dẫn chương trình trên truyền hình (mà ta quen gọi là MC) phát ngôn cho người nghe không ít lời, ít câu không thích hợp. Cá voi đối với ngư dân là Thần, là Ông, linh thiêng lắm.

Ở Thanh Hóa, Quảng Bình có Đền thờ bộ xương cá voi, ngày 16-11-2006 hàng ngàn ngư dân ĐBSCL về đảo Hòn Tre (huyện  Kiều Hải, tỉnh Kiên Giang) dự lễ khánh thành Dinh Ông Nam Hải (cá nặng hơn 5 tấn, bộ xương dài 9,8m, ngang 5,8m, “lụy” ngày 24-6). Vậy mà có tờ báo  đưa thông tin “Kiên Giang: Xác cá voi dạt vào bờ” đã viết “Bà con ngư dân trên đảo dùng các biện pháp xua đuổi và kéo nó ra ngoài khơi…”.

Tất nhiên bà con khi đọc những dòng  này sẽ rất là không vui  và cảm thấy như mình đang xúc phạm Ông… Văn hóa ứng xử của MC trên truyền hình, nhất là MC trẻ cũng nên xem lại, bởi mình đang dẫn chuyện trước triệu triệu người đủ thành phần, lứa tuổi, chức vụ, cho dù đó là chương trình thiếu nhi hay tuổi mới lớn.

Danh xưng “tôi” dùng khá vô tư, mà quên rằng dù mình đang là “tôi” thật nhưng là đại diện cho cầu nối trung gian (truyền hình) truyền tải nội dung của người mời lên đối thoại đến với nhiều đối tượng. Những câu như “tôi đang  ngồi cạnh bác đây”, hay  “tôi hỏi anh…” là không thích hợp, nên chăng thay bằng “xin được hỏi anh…” và bằng danh xưng “chúng tôi” thì hợp hơn.

SĨ THIỆN

Tin cùng chuyên mục