Nhiều ngày qua, dư luận phẫn uất trước cái chết thương tâm của anh công nhân Trần Nguyễn Quang Tánh, quê ở Phú Yên. Sáng sớm 10-12, anh Tánh chạy xe máy từ Phú Yên vào Nha Trang làm việc thì bị sụp “ổ voi” trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Phú Yên, dẫn đến cái chết thương tâm.
Đoạn đường này lâu nay đã xuống cấp nghiêm trọng, như một bãi chiến trường. Dù báo chí đã nhiều lần lên tiếng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đi kiểm tra và chỉ đạo, nhưng việc duy tu, sửa chữa quá chậm chạp, thậm chí thiếu sự cảnh báo cần thiết cho người đi đường nên tai nạn ở khu vực này xảy ra như cơm bữa. Và cái chết của anh Tánh là đỉnh điểm của vấn nạn chất lượng công trình giao thông đường bộ hiện nay!
Điểm lại, từ Bắc vào Nam, nhiều công trình mới đưa vào sử dụng đã sụt lún, biến dạng mặt đường, xuống cấp nhanh, gây khó khăn cho người tham gia giao thông lẫn bức xúc của xã hội. Cụ thể, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tổng vốn đầu tư hơn 34 ngàn tỷ đồng) mới thông xe chưa đầy 3 tháng đã xuống cấp. Trước đó, quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh (2,4 ngàn tỷ đồng trên 315km đường) đã có nhiều nơi lún sâu 4cm dù đã khắc phục song vết hằn bánh xe vẫn xuất hiện. Hay, cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245km với tổng vốn đầu tư 2,8 ngàn tỷ đồng cũng mới thông xe được 2 ngày đã xuất hiện sụt lún.
Trên đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng rơi vào tình trạng lún tương tự với “hố sâu” 6,7cm. Tại ĐBSCL, đường Năm Căn - Đất Mũi mới thông xe gần đây nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, đến nỗi địa phương phải có văn bản “trả” công tác duy tu, bảo quản về cho Cục Đường bộ vì không “kham” nổi. Đó mới chỉ là các tuyến quốc lộ chính yếu. Nhiều tuyến quốc lộ khác trong nội vùng ĐBSCL như đường N1, N2, quốc lộ 1, quốc lộ 60, 62… hầu hết đều đã quá tải hoặc xuống cấp. Trong đó, đường N1 chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia được đầu tư chưa đồng bộ; đường N2 cũng tương tự; quốc lộ 1 và quốc lộ 60 hiện đang gánh một lượng phương tiện lớn và trở thành 2 tuyến đường huyết mạch theo chiều dọc của vùng ĐBSCL. Riêng quốc lộ 62 vốn đã được xây dựng gần 20 năm, nay đã xuống cấp nặng nề, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao nhưng nguồn vốn để sửa chữa vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
Vấn đề đặt ra là vì sao suất đầu tư đường bộ cao như thế, số vốn lớn như thế nhưng chất lượng công trình lại kém như thế? Khi sự việc hỏng hóc xảy ra, truy trách nhiệm thì các bên đổ lỗi cho nhau, thậm chí còn đổ lỗi cho… ông trời (do trời mưa!) và việc duy tu, sửa chữa thì rề rà, làm theo kiểu chẳng đặng đừng!
Theo các chuyên gia về xây dựng, để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm. Có 4 chủ thể liên quan trực tiếp đến quá trình thi công công trình gồm: Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát. Theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (gồm nhà thầu; chủ đầu tư; cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình, thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng…) chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện”. Như vậy, nếu xảy ra sự cố công trình hoặc phát hiện các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thì phải xác định rõ nguyên nhân, mức độ thiệt hại để từ đó tiến hành xử lý hành chính hay phải chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự… Nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu. Sau nhà thầu là trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát, nếu giám sát tốt thì không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Một vấn đề cũng khiến dư luận bức xúc không kém chính là thái độ của chủ đầu tư khi phát hiện các công trình giao thông xuống cấp, kém chất lượng. Chủ đầu tư là người nắm trong tay quyền hành, chịu trách nhiệm chính về dự án. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân về vấn đề này.
Một vấn đề nữa khiến chất lượng các công trình giao thông rất khó kiểm soát là ngoài các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ GTVT và các tổng cục, cục chuyên ngành còn có hàng chục tỉnh, thành phố được giao thực hiện các dự án giao thông lớn. Theo phân cấp, các sở GTVT còn được giao làm nhiệm vụ của chủ đầu tư các tiểu dự án thuộc dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, trong khi đó, trình độ quản lý, năng lực cán bộ tại các địa phương còn hạn chế dẫn đến tiến độ và chất lượng rất khó đáp ứng. Một chuyên gia hàng đầu về giao thông cho biết, để đảm bảo chất lượng các công trình giao thông cần thêm cả trách nhiệm xã hội, phải cho người dân tham gia giám sát. Làm đường nông thôn ít sai phạm, vì có người dân giám sát chặt chẽ, đếm từng bao xi măng nên không thể thất thoát. Trước đây, Thủ tướng đã chỉ đạo làm mẫu 1km đường cao tốc xem chất lượng, giá thành ra sao để lấy làm chuẩn cho việc thực hiện các dự án cao tốc khác nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Rõ ràng ở đây các cơ quan chức năng vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình!