Những tiêu chuẩn, nguyên tắc sống được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội… là đạo đức. Và một khi đạo đức của một cá nhân có ảnh hưởng tốt đến người khác, đến toàn xã hội thì đó là văn hóa - văn hóa đạo đức.
Khi nhận lãnh chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, năm 1945, Hồ Chí Minh tâm niệm: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Lời tâm niệm ấy, nỗi mong muốn ấy ngỡ như trong tầm tay mà là cả một quá trình phấn đấu dài lâu. Và chính Hồ Chí Minh suốt đời đã thực hiện lời tâm nguyện đó bằng tấm gương đạo đức sáng ngời. Ai cũng có khả năng noi theo và thực hiện.
Truyền thống của người phương Đông nói riêng và cả thế giới nói chung, muốn lập ngôn trước hết phải lập nghiệp. Hồ Chí Minh vừa lập nghiệp vừa lập ngôn. Thủy chung, trước sau như một. Người viết báo, viết truyện ngắn, làm thơ, vẽ… bằng ngôn ngữ dân tộc và ngôn ngữ nước ngoài. Hồ Chí Minh biết vận dụng khả năng của mình theo thời cuộc. Trước khi là lãnh tụ, là tấm gương sáng, Hồ Chí Minh đã là nhà hoạt động văn hóa. Và nhà văn hóa Hồ Chí Minh càng vĩ đại khi Người là lãnh tụ, là tấm gương sáng.
Đúc kết những trào lưu văn hóa, triết học thế giới có ảnh hưởng đến hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh có cái nhìn sàng lọc, hội tụ và kết tinh: Từ chữ nhân của Khổng Tử, lòng bác ái của Chúa Giêsu, phép biện chứng của Các Mác, Tam Dân của Tôn Dật Tiên… Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét thú vị và thỏa đáng, có lý có tình: “Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên… chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”.
Đạo đức không xuất phát từ ý muốn, hay sự áp đặt mà xuất phát từ chính cuộc sống hiện thực. Đạo đức trở thành văn hóa khi nó trở thành sản phẩm văn hóa, lối sống mỹ tục… của cuộc sống. Sản phẩm văn hóa của Hồ Chí Minh là đạo đức Hồ Chí Minh. Sự giản dị hòa đồng, ý chí tranh đấu, lạc quan, tất cả vì nhân dân, dân tộc và nhân loại… Người luôn lắng nghe “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Từ đó, ấáy là một câu thơ, lời văn vần… động viên chia sẻ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình…”; “Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay”…; ấy là một Tết trồng cây “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”; ấy là tình cảm dân tộc hòa cùng tình quốc tế cao cả “Quê hương nghĩa trọng tình thâm”, “Quan san muôn dặm một nhà”…
Ngày nay, không ít người trong giới văn nghệ sĩ hình như tự cho mình có vai trò đặc biệt như là vốn có và… phải có. Họ tự tách mình ra để phản ánh và phán xét hiện thực, hoặc giả họ tìm thú vui, gậm nhấm nỗi cô đơn, bế tắc trong cái tôi nhỏ nhoi. Sự vô cảm hay sự bất lực trước những yêu cầu đòi hỏi của hiện thực cuộc sống sôi động. Văn nghệ sĩ có cái cá nhân nhưng thiếu cá tính, tìm cách thể hiện nhưng chưa tạo được phong cách, có cái khôn ngoan nhưng thiếu kiến thức căn cơ…
Từ những năm đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã từng dùng tiếng Pháp để làm báo, viết văn…; dùng chữ Hán để làm thơ. Nhưng cũng như những nhà văn hóa thời kỳ ấy, thông thạo văn hóa Đông, Tây, kim cổ, Hồ Chí Minh thấm đậm phong cách, tính cách, bản lĩnh Việt Nam. Cũng từ đó, nhiều nhà văn hóa triết học phương Tây đã nhìn nhận “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa… Có lẽ đó là một nền văn hóa tương lai”.
Tìm hiểu, học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giới văn nghệ sĩ chính là sống, làm việc và phấn đấu để có ích trong vị trí và cuộc sống của mỗi cá nhân, nhằm góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
LƯU XÁ