Đào tạo sau đại học

Vẫn vừa chạy vừa xếp hàng

Vẫn vừa chạy vừa xếp hàng

Công tác đào tạo sau đại học (SĐH) đang bộc lộ quá nhiều yếu kém và bất cập, từ chương trình đào tạo, quy trình tuyển sinh và tổ chức đào tạo đến đội ngũ giảng viên, quản lý... Đặc biệt, sau 30 năm, đào tạo SĐH vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao trong khi nền kinh tế – xã hội của đất nước đang có những đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Đây là nhận định được Bộ GD-ĐT thẳng thắn đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo SĐH năm 2005 vừa tổ chức tại Hà Nội.

  • Chương trình đào tạo SĐH: lạc hậu và... vô bổ?

Vẫn vừa chạy vừa xếp hàng ảnh 1

Thực hành qua kính hiển vi điện tử tại một khóa đào tạo của trường. Ảnh: M.H.

Năm 2005, Bộ GD-ĐT đã cấp 451 bằng tiến sĩ và hơn 7.700 bằng thạc sĩ, nâng tổng số tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo trong nước trong 30 năm qua lên 47.400 người (trong đó có gần 8.400 tiến sĩ và 39.00 thạc sĩ). Số lượng các cơ sở đào tạo SĐH cũng như quy mô đào tạo được phát triển và mở rộng: đến năm 2005, cả nước đã có 155 cơ sở đào tạo SĐH, bao gồm 85 trường đại học và học viện, 70 viện nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, một trong những hạt nhân làm nên chất lượng của giáo dục SĐH – chương trình đào tạo thạc sĩ - lại xa rời thực tế, không phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo cụ thể của hầu hết các cơ sở còn nặng nề, đơn điệu, nặng về hàn lâm, thiếu năng động và thực tiễn. Nội dung chương trình còn trùng lặp, nhắc lại kiến thức của bậc đại học trong khi việc bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật kiến thức mới sau từng năm học hay từng thời kỳ hầu như không được thực hiện.

Nhìn từ góc độ này, GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chương trình đào tạo SĐH nhìn chung là... vô bổ bởi có nhiều chương trình đào tạo ra không ứng dụng vào việc gì. Mặt khác, các cơ sở đào tạo ĐH và SĐH vẫn coi trọng việc giảng dạy là chính, nghiên cứu khoa học là phụ, trong khi đó, việc giải quyết các bài toán lớn về khoa học công nghệ đều phải xuất phát từ các trường đại học.

  • Cần “nhập khẩu” cả chương trình tiên tiến của bậc SĐH

Một vấn đề khác liên quan mật thiết đến chất lượng đào tạo SĐH cũng được nhiều cơ sở đào tạo SĐH than trời là đầu tư cho bậc học này quá thấp. Nói như GS.TS Vũ Minh Giang, mức đầu tư cho nghiên cứu sinh chỉ từ 7-8 triệu đồng/năm (nhỉnh hơn một chút so với đào tạo đại học) thì quá... tượng trưng.

Nếu so với kinh phí đào tạo ngoài nước thì mức chênh lệch lại quá lớn: kinh phí Nhà nước cấp cho đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài theo đề án 322 bình quân vào khoảng 50.000 USD, trong khi đó cấp cho đào tạo một tiến sĩ ở trong nước chỉ khoảng 1.500 USD, bằng khoảng 3% chi phí đào tạo một tiến sĩ ở nước ngoài.

Và dĩ nhiên, với mức đầu tư này, phần lớn các cơ sở đào tạo SĐH đều nằm trong tình trạng phòng thí nghiệm quá cũ kỹ, vật liệu phục vụ thí nghiệm thiếu do không đủ kinh phí để mua, thư viện thiếu các sách, tạp chí mới... Sự chênh lệch quá xa về đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo trong nước là điều không tránh khỏi. Vì vậy, “sau 30 năm, đào tạo SĐH của Việt Nam vẫn trong tình trạng vừa chạy vừa xếp hàng, vừa chấn chỉnh” – PGS.TS Lê Quang Minh nhận định.

Một số cơ sở đào tạo SĐH đã bắt đầu “bứt phá” khi tìm đường liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài. Theo GS.TS Vũ Minh Giang, yếu tố hợp tác, liên kết quốc tế là một trong những đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo SĐH.

Tại ĐH Quốc gia, khung chương trình đào tạo thạc sĩ phải được so sánh với cùng chương trình đào tạo của các ĐH tiên tiến trên thế giới. Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Quang Minh đề nghị Bộ GD-ĐT cần cho phép thí điểm “nhập khẩu” chương trình tiên tiến từ nước ngoài như đang triển khai đối với một số ngành đào tạo đại học.

VIỆT LAN

Tin cùng chuyên mục