Đã bao lâu bạn chưa về nhà?
Cô bạn nói trên là một copywriter (viết quảng cáo) khá có tên tuổi, quê ở một vùng đất nghèo tại miền Trung. Nguyễn Thành Tâm rời quê, vào TPHCM lập nghiệp đã mười mấy năm. Mấy năm đầu, tranh thủ lễ tết, Tâm đều cố gắng về nhà vài ngày, nhưng sau đó thì thưa dần. Chỉ còn dịp Tết Âm lịch Tâm mới dẫn con gái về quê. Cô kể: Nhiều khi cũng muốn về lắm, nhưng hồi đầu thì ngại chuyện tiền nong. Mình mới lập nghiệp, tiền ăn ở, sinh hoạt phí còn hụt trước hụt sau. Về quê, chí ít cũng cho ba mẹ một ít, rồi họ hàng bà con cũng chút quà, lấy đâu ra? Khi cuộc sống dần tốt lên, tôi lại càng ít về bởi tham công tiếc việc, sợ nghỉ vài ngày, người ta thay thế vị trí của mình… Riết rồi tôi quên luôn việc về nhà.
“Điện thoại? Bạn có thường xuyên gọi về không?”. “Thường thì cuối tuần, tôi gọi về nhưng được dăm chuyện là mẹ lại tiếc tiền, giục con tắt máy. Bà cụ chỉ xài điện thoại bàn, không rành công nghệ nên vậy đó”. Tâm tiếp tục kể về những lần về quê, cô chỉ gửi ba mẹ được ít tiền nhưng đống hành lý mà mẹ chuẩn bị khi cô trở về thành phố lại kềnh càng. “Đủ cả. Bịch cá kho, mấy con tôm rang cõng muối quắt queo, miếng thịt chiên, bịch củ nén, túi kẹo bột của thời ấu thơ, rồi mớ rau thơm hái đầu ngõ, thậm chí cả cái thớt gỗ quê nặng trịch, mẹ cũng cột vào túi đồ. Tôi gạt phắt đi, nào là nặng quá, cồng kềnh quá, thứ này thành phố thiếu gì… Mẹ chỉ nói một câu thôi: Mày ráng đem quà quê vô, tấm lòng cha mẹ chỉ có thế. Vô đó thấy không xài thì thôi, cho hàng xóm!”, Tâm kể.
“Lâu rồi tôi cũng chưa về nhà”, Ngọc Hà - nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel chia sẻ. Cũng rời quê lập nghiệp phương xa, Ngọc Hà bươn chải nhiều nghề để bám trụ thành phố. “Hồi đầu nhớ nhà lắm. Có dịp lễ lạt là tôi bắt xe về ngay. Say xe quay cuồng nhưng chỉ cần về đầu ngõ, thấy bóng mẹ thấp thoáng ở giàn bầu là tôi quên tất cả. Cứ thế ôm chặt mẹ, hít hà cái mùi mà chỉ mẹ mới có, rồi nước mắt cứ thế rơi ra”, Ngọc Lan nhớ lại. Giờ, trụ lại rồi, Lan lại ngại về quê, sợ “tốn thời gian và tiền bạc”.
Cô kể: “Đến một ngày, bà Hai hàng xóm lên chơi, có kể là cha tôi dạo này gầy ốm lắm. Tôi chợt giật mình. Đã bao lâu rồi tôi chưa về nhà. Đã bao lâu rồi tôi chưa có cuộc điện thoại tử tế hỏi thăm cha mẹ. Đã bao lần nhận điện thoại cha mẹ nhưng chỉ vội vã vài câu rồi cúp máy vì khách đang gọi. Đã bao lâu rồi, tôi quên cả sinh nhật của cha mẹ mà chỉ nhớ đến những cuộc hẹn hò sinh nhật tiệc tùng của bạn bè. Đúng là đã rất lâu…”.
Đừng để quá muộn
Ở thành phố, ở đô thị, đúng là những đứa con xa quê mưu sinh cũng gặp vô vàn khó khăn. Tôi còn nhớ, nhóm bạn trọ học rồi xin việc bám trụ lại thành phố đã từng chia nhau từng con cá khô, bịch chà bông hay trái ớt quê mà cha mẹ gửi vô. Những món ăn đó, với chúng tôi ngày khó, như một đại tiệc vậy. Nhưng nhiều năm đã qua, khi chỉ cần quẹt nhẹ điện thoại là quà quê chuyển tới tận nơi thì mấy con cá khô, túm tép kho mặn lại trở nên lạc lõng bởi chính những đứa con xa quê. Con cái chúng tôi không quen ăn mặn, chúng chỉ thích đồ ăn nhanh, thích nước ngọt có gas. Chúng tôi cũng trở nên kén chọn, không chỉ về quê ít đi mà tiếp nhận “tấm lòng quê” cũng nhạt dần. Nhưng, thời gian không chờ đợi chúng tôi…
Tại một buổi giao lưu ra mắt tập tản văn Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?, nhà văn Võ Thu Hương đã chia sẻ về thời điểm chị biết mẹ bị bệnh nan y: “Tôi nhìn thấy cậu bạn học chưa hết lớp 9 đi chăm mẹ, cùng phòng bệnh với mẹ tôi. Cậu ấy hay cúi xuống hôn mẹ. Tôi chưa bao giờ làm như cậu cả nên cũng thử làm theo và nhận ra giá trị của nụ hôn đó, lúc ấy đầy mùi mồ hôi và kháng sinh bác sĩ truyền vào người trong giai đoạn cuối. Nụ hôn đó có thể sưởi ấm mình mãi đến sau này…”. Chia sẻ của nhà văn Võ Thu Hương có lẽ cũng là tâm sự của những người con không có nhiều điều kiện ở bên cạnh cha mẹ mình - những ai bất chợt nhận ra sự vô tâm của mình với cha mẹ.
Mẹ của Mai (người bạn ký túc xá năm nào) mới mất. Cô sẽ trên chuyến xe sớm nhất về với mẹ. Bạn tôi đau buồn và hối tiếc vì sự quan tâm đến cha mẹ hời hợt quá. Còn chúng tôi cũng chợt nhận ra, nếu ở bên cha mẹ lâu hơn một chút, sẽ thấy thêm nhiều sợi tóc bạc của cha mẹ, sẽ thấy những nét chân chim trên đôi mắt hiền của mẹ, sẽ cảm nhận được đôi bàn tay chai sạn của cha… Những người quê - thành thị như chúng tôi, sẽ ra sao nếu một ngày nhận được tin buồn như bạn mình? Vậy nên, hãy “về nhà đi con”, khi còn chưa muộn.