
Sau 30 năm rời bến Nhà Rồng – Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới có dịp vượt qua đường biên cửa khẩu Hà Quảng trở về Tổ quốc. “Đại bản doanh” của Người trong những ngày đầu ấy là hang Pác Bó – Cao Bằng.

Khách miền Nam thăm núi Các Mác – suối Lênin ở khu Pác Bó. Ảnh: P.B.N.
Pác Bó là một khu dãy núi đá vôi chạy dài, nằm ngay sát đường biên giới Việt - Trung. Nơi đây vừa có nhiều hang động kín đáo vừa có suối nước ngọt chảy quanh năm.
Sáng mùng 3 Tết Tân Tỵ (ngày 8-2-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua đường biên giới, về đến núi Pác Bó – Cao Bằng. Tại đây, Người đã được bà con các dân tộc Cao Bằng bảo vệ chu đáo. Tổ chức của ta đã chọn gia đình cụ Máy Lỳ ở xã Trường Hà – huyện Hà Quảng, nằm sát bìa rừng, có nhà cửa rộng, ít người qua lại, để Bác ở tạm ngày đầu.
Từ gợi ý của Bác, cụ Máy Lỳ dẫn các đồng chí trong tổ bảo vệ tìm đến hang của gia đình cụ tại rừng Pác Bó. Sáng mùng 4 Tết, anh em dẫn Bác đi ra núi xem hang và Người ưng ý vị trí của khu hang này và bàn với anh em về việc di chuyển.
Gia đình cụ Máy Lỳ cho Bác và đoàn mượn 5 tấm ván bằng loại gỗ nghiến để làm chỗ ngủ. Ván ngắn, nên 5 người khi nằm ngủ phải co người lại mới vừa chân. Sáng mùng 5 Tết, Bác và anh em vào ở tại hang Pác Bó, lúc đó sau tết thời tiết khá lạnh. Cùng ở tại Pác Bó với Người có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm, Thế An, cùng 3 người đội bảo vệ.
Từ thị xã Cao Bằng lên đến núi mà Bác đặt tên là núi Các Mác có dòng suối Bác đặt tên là suối Lênin, trong xanh chảy rì rào thật là cảnh và tình người không thể tả bằng giấy mực. Như ngày đầu về, Bác chỉ nói ngắn gọn, mà bao trùm lên tất cả: “Đây suối Lênin, kia núi Mác - Hai tay xây dựng một sơn hà”.
Vào đến Khu di tích Pác Bó, cách thị xã Cao Bằng khoảng gần 1 giờ xe, núi rừng trùng điệp, đường nhiều đèo cao cua gấp... Hang Pác Bó mà Người chọn ở và làm việc có chiều cao khoảng trên 7-8m tùy đoạn, chiều rộng chỗ rộng nhất 4-5m, song là một hang động có nhiều chỗ thông hơi, những hôm trời nắng, ánh nắng sáng xuyên vào trong hang đá thật trữ tình.
Con suối mà Bác đặt tên là Suối Lênin chảy từ trên núi Các Mác theo hang núi ra ngay cổng vào hang Pác Bó. Trước cổng hang chỉ mươi bước chân là một hồ nước khoảng gần 1.000m², có nhiều cây cối từ núi đá vôi ăn lan ra, rủ bóng xuống dãy hồ. Nước từ suối Lênin chảy vào hàng ngày, nên hồ không bao giờ cạn.
Khi ổn định chỗ ở, ngay ngày đầu tiên, Người đã dùng một tảng đá to, có chiều ngang và dài trên 1/2m² để làm việc, bàn bạc các công việc quan trọng của Đảng ta với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh v.v... Cũng tại nơi này, Người đã cùng TƯ Đảng ta mở Hội nghị TƯ lần thứ VIII, ra nghị quyết quan trọng Hội nghị TƯ lần thứ VIII, như là một bước ngoặt trong phong trào cách mạng sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ...
Thời tiết mùa hè ở biên giới thường nóng nực, song ai vào thăm Khu di tích Pác Bó cũng đều cảm thấy dễ chịu. Cả khu di tích nằm giữa khu rừng già mênh mông luôn lộng gió và thơm ngát hoa rừng. Nhiều năm nay, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã giữ gìn tôn tạo, phát triển thành một quần thể khu di tích đẹp, có ý nghĩa lâu dài, gìn giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng của những ngày đầu Bác Hồ về nước.
Phạm Bá Nhiễu