Ngày 25-9, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) góp phần thực hiện thành công chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Trong đó, y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính là phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân nhất là ở vùng sâu vùng xa được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, giúp giảm tải các cơ sở y tế tuyến trên, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo và cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù trong thời điểm phải căng mình “đánh giặc Covid-19”, Bộ Y tế đã nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Đến nay chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, đề án này đã có 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh là các cơ sở y tế tuyến dưới được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM. Rõ ràng, đây là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế và nhiều bệnh viện tuyến trên nhằm giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”, đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng người bệnh. Người bệnh cũng hiểu rõ hơn những hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế.
Thực tế chứng minh, dù mới chỉ triển khai nhưng qua 1.000 điểm cầu, trong thời gian ngắn đã có rất nhiều cuộc hội chẩn, trao đổi giữa tuyến trên và tuyến dưới, qua đó cứu sống được hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ngay tại bệnh viện tuyến dưới mà không cần phải đưa lên tuyến trên như trước đây. Để minh chứng rõ hơn hiệu quả của Telehealth mang lại cho người bệnh, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, dù mới triển khai nhưng bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn và 162 điểm khám tham gia kết nối, qua đó nhiều ca bệnh khó được cứu sống nhờ được hội chẩn trực tuyến kịp thời. Hiện Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ ba và thứ năm) và mỗi buổi có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến. Còn TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, sau 1 tháng triển khai Telehealth, bệnh viện đã tổ chức được 9 buổi khám chữa bệnh từ xa, 4 buổi tư vấn phòng chống bệnh cho cộng đồng, 343 điểm khám kết nối và 34 ca bệnh khó ở tuyến dưới đã được khám hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành. Trong đó ngày 11-9 vừa qua, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện này đã hội chẩn trực tuyến thông qua Telehealth hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống một bệnh nhân nữ bị sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.
Rõ ràng, Telehealth của ngành y tế đang tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn cho nhau. GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh ý nghĩa của việc xây dựng hệ thống Telehealth chính là việc ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng tối đa chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng cao tại cơ sở. “Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ. Hơn nữa đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.