Vì sao chứng khoán toàn cầu liên tục giảm

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán châu Á ngày 14-9, đồng won Hàn Quốc rơi cùng chiều với giá dầu trong bối cảnh một loạt ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đặt nghi vấn cho tính hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia đang theo đuổi.

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán châu Á ngày 14-9, đồng won Hàn Quốc rơi cùng chiều với giá dầu trong bối cảnh một loạt ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đặt nghi vấn cho tính hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia đang theo đuổi.

Theo Bloomberg, chỉ số MSCI châu Á đã ghi nhận chuỗi giảm lớn nhất liên tục từ cuối tuần trước đến nay kể từ tháng 6. Tại Tokyo trong phiên mở cửa, MSCI Asia Pacific Index giảm 1,1%, trong khi đó, một loạt chỉ số chính như Shanghai SE giảm 0,68%, Hang Seng của Hồng Công giảm 0,11%, Nikkei 225 giảm 0,69%, Taiwan TSEC giảm 0,43%. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm gần 1% so với USD.

Cùng lúc này, thị trường chứng khoán Mỹ chưa vực dậy sau ba phiên giảm liên tiếp. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,41%, xuống 18.066,75 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 1,48%, xuống 2.127,02 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lùi 1,1%, đóng cửa ở mức 5.155,25 điểm. Xu hướng ảm đạm của chứng khoán Mỹ cũng lan sang các thị trường cổ phiếu châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,5%, xuống 6.665,63 điểm; chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,4%, xuống 10.386,60 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 1,2%, đóng cửa ở mức 4.387,18 điểm.

Dự báo mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về nguy cơ kéo dài tình trạng dôi dư nguồn cung dầu toàn cầu và triển vọng tiêu thụ yếu kém liên tiếp đè nặng lên thị trường năng lượng, đẩy các mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực này đi xuống. Ngoài ra, tâm lý bất an của giới đầu tư trước thềm cuộc họp chính sách của của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến diễn ra ngày 20 - 21-9 với triển vọng thiếu chắc chắn về chính sách lãi suất cũng là nguyên nhân khiến  chứng khoán Mỹ đỏ sàn. Chủ tịch FED Boston - Eric Rosengren nhận định, lãi suất sẽ tăng vào khoảng cuối năm. Nền kinh tế Mỹ có thể quá nóng nếu chính sách thắt chặt phải chờ đợi quá lâu. Còn giám đốc điều hành Peak Asset Management Niv Dagan, bình luận trên Bloomberg: “Các ngân hàng trung ương đang trì hoãn biện pháp kích thích bổ sung. Điều đó gây nên một chuỗi những lo lắng khiến thị trường sẽ còn giảm trong ngắn hạn”.

Trước các bình luận trái chiều trên, các nhà đầu tư thực sự hoang mang về định hướng chính sách FED và lo ngại kịch bản nâng lãi suất sẽ sớm diễn ra. Điều này có thể giúp đồng USD mạnh lên, song lại không có lợi cho các thị trường khác.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư Mỹ đang phải đối mặt với những đồn đoán liên quan tới sức khỏe của bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Bà Clinton đột ngột phải rời lễ kỷ niệm 15 năm vụ khủng bố 11-9 vì sốt cao và mất nước. Các bác sĩ cho biết bà Clinton bị viêm phổi và đã kê thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin ngắn hạn, nên kỳ vọng bà Clinton giành chiến thắng trong cuộc đua tháng 11 vẫn góp phần níu chân những nhà đầu tư.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục