Vì sao khủng hoảng Nga-Gruzia càng tăng?

Sau khi Tbilisi trao trả 4 sĩ quan Nga, một số tờ báo vội cho là phía Gruzia “chủ động xì hơi”, có đài truyền hình bình luận rằng “cuộc khủng hoảng đã được tháo ngòi nổ” và “mối quan hệ hai nước đang trở lại bình thường”. Trên thực tế, ngược lại, cuộc khủng hoảng càng căng thẳng thêm.

Nga cắt hết mọi quan hệ thương mại, quân sự, kinh tế, ngừng mọi tour du lịch, ngừng cấp visa và ngăn kiều dân Gruzia sống tại Nga gửi tiền về nước. Hôm 4-10, 418 nghị sĩ quốc hội Nga thông qua nghị quyết áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với Gruzia. Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố có thể dùng biện pháp quân sự để đối phó.

Ngay từ khi đài truyền hình Tbilisi “công bố các bằng chứng về vụ án gián điệp” với cảnh một sĩ quan Nga đếm tiền và đưa cho một người Gruzia, người xem bình thường cũng đã nhận thấy sự giả tạo khá rõ ràng của vụ việc. Ở các vụ đưa hối lộ, tham nhũng, những nhân vật trong cuộc cũng biết cách cho tiền vào phong bì, đưa dưới gầm bàn hoặc trong một gói quà. Làm gì có chuyện sĩ quan tình báo không biết cách gửi tiền qua các tài khoản bí mật một cách khéo léo. Đếm tiền và chi trả công khai chỉ có khi người ta thanh toán nợ nần với nhau!.

Vụ “4 gián điệp Nga” chỉ là một mắt xích trong chuỗi hành động đã định sẵn. Nếu thực tâm muốn hòa giải, Tbilisi đã trao trả trực tiếp 4 người cho Mátxcơva, nhưng Tbilisi lại chuyển giao “nhóm gián điệp” cho Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) để OSCE trao trả cho Mátxcơva. Lôi kéo được OSCE vào cuộc, Tbilisi không chỉ hợp thức hóa vụ “bắt gián điệp” mà còn quốc tế hóa được cuộc khủng hoảng Nga-Gruzia.

Sự quốc tế hóa cuộc khủng hoảng đã lập tức biểu lộ khi Đại sứ Nga tại LHQ trình dự thảo phê phán Gruzia ra HĐBA và EU cũng có ngay một bản dự thảo khác và đại diện Mỹ tuyên bố là chỉ chấp nhận bản dự thảo của EU, bác bỏ bản dự thảo của Nga.

Thực chất, vụ “bắt gián điệp Nga” của Tbilisi nhằm những mục tiêu sau:

- Tạo nên làn sóng bài Nga, trước mắt tạo thuận lợi cho tổng thống Gruzia trong cuộc bầu cử địa phương. Về lâu dài là diệt trừ tâm trạng tiếc nuối thời Liên Xô ở một số người dân Gruzia.

- Chứng tỏ cho NATO thấy rằng Gruzia đã sẵn sàng và đủ tiêu chuẩn gia nhập NATO.

- Tạo chứng cớ để dư luận quốc tế thấy rằng Nga đứng sau các cuộc ly khai ở Apkhazia và Nam Osetia.

Chính vì lẽ đó, cho dù Tbilisi mau chóng trao trả “nhóm gián điệp” cho Nga, quan hệ Nga-Gruzia tiếp tục xấu đi và đang ngày càng căng thẳng.

TƯỜNG VÂN
 

Tin cùng chuyên mục