Việc đội tuyển Việt Nam được Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản gửi lời mời chính thức tham gia trận giao hữu vào đầu tháng 10 tới ngay tại Nhật Bản là một sự kiện mang tầm quan trọng. Dù chỉ là một trận giao hữu nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta nhận được lời mời từ một trong những đội bóng hàng đầu thế giới.
Điều này khẳng định vị thế và là sự ghi nhận trang trọng dành cho bóng đá Việt Nam. Vì vậy, làm sao xứng đáng với điều đó là vấn đề mang tính danh dự. VFF ngay lập tức xác nhận lời mời, lên kế hoạch đưa đội hình mạnh nhất sang Nhật Bản. Trận đấu giao hữu ngày 7-10 tới vừa là vinh hạnh, vừa là thách thức lớn với VFF. Kết quả của trận đấu ấy không quan trọng bằng cách chúng ta thi đấu ra sao để xứng đáng với lời mời trên. Làm gì thì làm, các cầu thủ của HLV Falko Goetz phải bảo vệ danh dự cho làng cầu nội địa.
Nói đến danh dự, lại bắt buộc phải suy nghĩ. Mới cuối tuần trước, chính danh dự đã bị xem thường trong trận đấu trên sân Thống Nhất giữa Sài Gòn Xuân Thành và SQC Bình Định ở giải hạng nhất.
Có mặt xem 2 đội thi đấu, chủ tịch VFF cảm thấy buồn lòng, phó chủ tịch VFF tỏ ra giận dữ khi thái độ chơi bóng của 2 đội tác động tiêu cực đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam và các nhà tài trợ. Ngay chính ông bầu của đội XT.SG cũng thừa nhận mình chán nản khi phải chứng kiến cầu thủ coi thường khán giả nhà. Không khó để nhận thấy một sự bất lực của những nhà quản lý khi các cầu thủ đã xem nhẹ danh dự của chính mình. Khi không còn mục tiêu để thi đấu, họ sẵn sàng thua trận bằng thái độ bạc nhược. Có rất ít bằng chứng để xác định đấy là một hình thức bán độ nên ban tổ chức giải hạng nhất cũng không thể ra quyết định kỷ luật. Nói cho cùng, chỉ có ý thức chuyên nghiệp, sự tôn trọng khán giả và nhà tài trợ, cũng như chính danh dự của mình mới làm cho bóng đá hấp dẫn, hấp dẫn từ sự trung thực.
Rất đau lòng là những trận đấu kiểu như vậy không hề ít trong giai đoạn cuối mùa bóng, khi đang có nhiều đội bóng không còn mục tiêu phấn đấu, nhiều đội khác lại đang cần điểm để trụ hạng. Dù VFF đã đưa ra khuyến cáo buộc các đội bóng phải thi đấu trung thực để phục vụ khán giả nhưng cũng chỉ nước đổ lá môn. Những trận đấu như vậy đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chất lượng của giải đấu, của cả một nền bóng đá. Chắc chắn nó sẽ làm trì trệ mục tiêu phát triển đẳng cấp của đội tuyển quốc gia khi chính những cầu thủ không tự giữ gìn danh dự của chính mình.
Sau ngày thống nhất đất nước, bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung đã nỗ lực để cải thiện vị thế của mình trên trường quốc tế. Nhà nước và xã hội đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để thay đổi hình ảnh các môn thể thao trong cái nhìn của bạn bè thế giới. Lời mời của bóng đá Nhật Bản có thể xem là một vinh dự nhưng để xứng đáng với điều đó chính mỗi cầu thủ Việt Nam phải thi đấu với danh dự. Không có điều đó, chẳng khác nào chính chúng ta phủ nhận vị thế của mình vậy.
Và phải chăng, chính ý thức về danh dự còn kém đã tạo ra sự khác biệt lớn lao giữa bóng đá Nhật Bản và chúng ta. Nhớ lại năm 1959, khi ấy làng cầu Nhật Bản từng ví mình như một đôi giày nhỏ so với bóng đá Việt Nam. Hơn 50 năm qua, từ “chiếc giày nhỏ” ngày nào, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc bóng đá tại châu Á. Còn chúng ta, hiện vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trong tốp 20 châu lục.
Tâm Việt