Như một lựa chọn lịch sử, trong cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc, đã hình thành hai đường mòn Hồ Chí Minh: một trên đại ngàn Trường Sơn, một trên biển. Hai con đường vĩ đại này đã trở thành gọng kìm chiến lược đánh đuổi giặc ngoại xâm, thu giang sơn về một mối, để đất nước có địa thế chính trị và kinh tế quan trọng với 3.260 km bờ biển, hơn 3.000 hòn đảo, diện tích mặt biển gấp 3 lần diện tích đất liền.
Với lợi thế trời cho “mặt tiền” hướng ra biển, nên từ bao đời nay nhiều thế hệ người Việt đã sống vì biển và chết cũng vì biển. Chính những nhân tố chủ lực này đã, đang và sẽ làm nên giá trị biển của quốc gia. Tuy nhiên, theo tính toán mới đây của các cơ quan chức năng, việc khai thác tài nguyên từ biển còn tùy tiện, nên nguồn lợi mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Đó là chưa kể khi trái gió trở trời, biển nổi cơn thịnh nộ, ngư dân chỉ biết phó thác sinh mạng, tài sản nơi đại dương bao la.
Chính vì lẽ đó, việc xây dựng những đội tàu cá đủ mạnh, đủ lớn tại từng địa phương để từng bước hình thành ngành kinh tế biển với một quy trình khép kín từ khai thác ngư trường, hậu cần phục vụ đến thị trường tiêu thụ là một yêu cầu cấp bách, bức thiết.
Song song đó, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu biển Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cần sớm được các cơ quan chức năng thực hiện. Muốn vậy, những nút thắt về cơ chế chính sách bấy lâu nay phải sớm được tháo gỡ nhằm tạo ra một nhận thức sâu sắc trong cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về những giá trị biển.
Trên thế đứng để xây dựng một thương hiệu biển Việt Nam, không còn cách nào khác phải sớm có hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo và vùng ven biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp từ 53% - 55% tổng GDP cả nước và thu nhập người dân vùng biển sẽ tăng gấp đôi mức thu nhập bình quân chung của cả nước. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực biển, xây dựng một số thương cảng tầm cỡ khu vực, hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh chuyên doanh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và dịch vụ biển là mấu chốt quan trọng. Khi đó, một tuyến đường ven biển sẽ được tạo lập, trong đó có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển. Đặc biệt, sẽ có 4 trung tâm vùng được ví như những động lực của nền kinh tế biển ở 4 khu vực là Hạ Long - Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc. Dĩ nhiên, để kinh tế biển sớm mạnh, phải thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển; quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả đối với mọi vấn đề liên quan đến biển…
Nói như PGS-TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Thế đứng tự nhiên - lịch sử như vậy tạo cho nước ta một địa thế có tầm quan trọng to lớn trong hình thế chiến lược phát triển toàn cầu và khu vực. Các nước trong khu vực càng bùng nổ phát triển, vị thế đó càng được củng cố và nâng cao.
Nhận diện một “Việt Nam biển” như vậy cũng chính là cách nhìn mới và đầy đủ về chân dung kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 21. Vì vậy, tiến ra biển là xu thế tất yếu của nước ta để tìm kiếm và đảm bảo các nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm… cho thời gian tới.
LỘC NAM