Thị trường lao động TPHCM tuy có sự biến động, chuyển dịch cơ cấu lao động và tồn tại nhiều nghịch lý nhưng lực lượng lao động nữ có xu hướng tăng. Thời gian qua, TPHCM đã thực hiện các chính sách của nhà nước đối với lao động nữ, góp phần nâng cao đời sống, việc làm, tạo cơ hội cho lao động nữ.
Lao động nữ chiếm 55%
Trong 5 năm từ 2007-2011, TPHCM đã giải quyết việc làm cho hơn 1,3 triệu người, trong đó trên 55% là lao động nữ. Trong số 5,3 triệu lao động của TPHCM, lao động nữ chiếm tỷ lệ 52,41%. 73% lao động nữ làm việc trong các ngành công nghiệp dệt may, giày da, tiểu thủ công nghiệp.
Khảo sát về thực trạng việc làm của lao động nữ cho thấy trình độ, năng lực và chuyên môn nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp, nhất là thiếu định hướng nghề nghiệp. Phần nhiều lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có thể làm được những công việc không ổn định, thu nhập thấp, dễ mất việc.
Lao động nữ hiện vẫn tập trung ở những ngành sử dụng chủ yếu sức lao động; làm việc trong điều kiện làm việc chưa được cải thiện, thời gian lao động kéo dài, rủi ro cao. Xu hướng đầu tư cho trẻ em nữ cũng không được quan tâm nhiều như trẻ em nam cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về nhân lực, lao động nữ thường là đối tượng của những nhà tuyển dụng muốn có chi phí nhân công thấp. Đây là nguyên nhân khiến lao động nữ dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động và dễ bị tổn thương.
Một thực tế khác là có những lao động nữ có trình độ, tay nghề tương đương với lao động nam song vẫn không được tuyển dụng. Bởi vậy, với đội ngũ lao động nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi của lao động nữ là rất lớn song họ không thể tìm kiếm được việc làm thêm. Điều cần thiết hiện nay là phải tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tạo việc làm thêm như phát triển nghề phụ, phát triển làng nghề hoặc những nghề mới phù hợp với độ khéo léo, cần cù của lao động nữ.
Tập trung dạy nghề
Xu hướng thị trường lao động TPHCM trong giai đoạn 2012-2015 tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng. Chương trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của TP đang được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển năng động, quan tâm hơn đến chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đây là môi trường phù hợp với đa số lao động nữ.
Các nhóm ngành nghề phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ vào làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm bằng nhiều hình thức linh hoạt kể cả việc làm bán thời gian như chế biến thực phẩm, giấy bao bì, điện tử, nhựa, sợi, dệt, may, chế biến thủy sản, hải sản, nông sản kết hợp với những ngành nghề mới thay đổi kỹ thuật hiện đại như gốm sứ, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao cao cấp, chế biến gỗ, mộc mỹ nghệ, dịch vụ gia đình, du lịch, thẩm mỹ… sẽ thu hút bình quân từ 55-60% lao động.
Để lao động nữ có việc làm bền vững và hiệu quả, trước hết, cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm để đảm bảo tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70% trong giai đoạn 2011-2015.
Cụ thể, phải chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp, nhất là liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề và giới thiệu, cung ứng việc làm để tạo đầu ra. Phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ tại các địa bàn nông thôn; tập trung hướng nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để lao động nữ có điều kiện thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để hỗ trợ việc làm tại chỗ.
Cần có nguồn vốn tạo việc làm cho lao động nữ; thực hiện các chính sách bình đẳng việc làm và các chính sách kinh tế - xã hội để nâng cao hiệu quả việc làm; hỗ trợ nữ doanh nhân, hỗ trợ phụ nữ làm nông nghiệp tăng năng suất lao động; thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng. Cần có dự báo, hướng nghiệp, hỗ trợ lao động nữ tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như kỹ năng tìm việc làm, tự tạo việc làm và lập nghiệp…
Trần Anh Tuấn
(Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo
nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)