
Nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam
Tại cuộc họp, các bộ, ngành đã báo cáo bước đầu về tình hình khủng hoảng tài chính tại Mỹ cũng như đưa ra những nhận định, dự báo và đề xuất các biện pháp đối phó với những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới với nước ta.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT và Bộ Ngoại giao, cuộc khủng hoảng tín dụng và ngân hàng của Mỹ bắt đầu từ tháng 8-2007, mà đỉnh cao là trong tháng 9 vừa qua với sự phá sản của ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ là Lehman Brother, Merill Lynch bị mua lại và AIG bị quốc hữu hóa. Hiện có tới 117 ngân hàng Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản và khoảng 150 ngân hàng có thể bị phá sản trong năm nay.
Cuộc khủng hoảng cũng đã đẩy nhiều ngân hàng thuộc loại lớn nhất của châu Âu đối diện với nguy cơ đổ vỡ. Việc ngày 30-9, Hạ viện Mỹ chưa chấp thuận cho Chính phủ dùng 700 tỷ USD để mua lại nợ xấu của thị trường thế chấp đã làm cho cuộc khủng hoảng này có thêm những diễn biến khó dự đoán.

Tài chính - Ngân hàng được đánh giá là 1 trong 4 ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ
Đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng đến kinh tế Việt Nam, Bộ Tài chính khẳng định, biến động của thị trường tài chính Mỹ chưa ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm Việt Nam, trong đó hai công ty bảo hiểm của AIG vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng được các quy định về vốn và khả năng thanh toán. Mặt khác, do AIG mới chiếm 5,5% thị phần nên không có khả năng làm đảo lộn thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Còn theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, cuộc khủng hoảng ở Mỹ sẽ ít ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Việt Nam vì thị trường tài chính Việt Nam chưa có sự liên thông với thị trường tài chính Mỹ và các nước phát triển khác.
Các Ngân hàng của Việt Nam cũng đã rất chủ động trước tình hình này, hiện nay tính thanh khoản rất cao. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, nếu nền kinh tế Mỹ và toàn cầu lâm vào suy thoái, thì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam cũng có nguy cơ bị giảm sút.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam gửi chủ yếu tập trung vào các ngân hàng trung ương của các quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, Pháp, Anh, các tổ chức tài chính quốc tế, chiếm 82%. Phần còn lại gửi vào các ngân hàng đầu tư thương mại quốc tế có uy tín, vì thế chúng ta hoàn toàn yên tâm (hiện nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt gần 22 tỷ USD).
Giao ban hàng tuần để cập nhật thông tin
Sau khi nghe các phân tích, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Đến thời điểm này, khủng hoảng tài chính tại Mỹ cũng đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng chưa lớn và chưa nhiều.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện, ý chí và khả năng để tiếp tục giữ ổn định nền kinh tế để duy trì tăng trưởng. Điều này xuất phát từ thực tiễn, nền kinh tế vĩ mô đang ổn định, tiềm lực kinh tế còn lớn thể hiện qua dự trữ ngoại tệ tăng thêm, thặng dư cán cân thanh toán tổng thể, nhu cầu tiêu dùng và sức mua trong nước rất lớn… Quan trọng hơn cả là chính trị xã hội ở Việt Nam ổn định và ngày càng ổn định hơn.
Nhằm giúp báo chí thông tin kịp thời, chính xác tình hình kinh tế-xã hội, các chủ trương, giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nh.Hà |
Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường tài chính Mỹ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ 8 nhóm biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời phải theo dõi sát tình hình thị trường tài chính Mỹ và thế giới, xây dựng phương án cụ thể để đối phó với những tác động xấu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực mà bộ, ngành mình quản lý.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát các khoản cho vay đầu tư, đặc biệt là đầu tư bất động sản, phải có phương án xử lý cụ thể từng dự án. Cùng với đó rà soát các khoản tiền gửi và đầu tư tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài, không để xảy ra thiệt hại và tính toán phương án xử lý có lợi nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát biến động của đồng USD để có cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt, kịp thời và thích hợp; rà soát và đánh giá hoạt động đầu tư, kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, đảm bảo thu hút vốn đầu tư phát triển bền vững, đồng thời, rà soát, đánh giá tình trạng tài chính hiện nay của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tài chính không để xảy ra đột biến. Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu, rà soát lại các hợp đồng, đánh giá khả năng thanh toán và khả năng thực hiện các cam kết của các nhà nhập khẩu. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm cần tập trung quyết liệt đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và các mặt hàng xuất khẩu.
Với tình hình hiện nay, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần tổ chức giao ban hàng tuần để cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ, kịp thời phản ứng trước những diễn biến bất lợi của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, các bộ, ngành và các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, thông tin phải chính xác, định hướng đúng dư luận, không gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng đến bất lợi cho nền kinh tế đất nước.
Trước đó, ngày 30-9, phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh đến việc phải bám sát tình hình thị trường tài chính của Mỹ và thế giới để có những quyết sách điều hành linh hoạt nhất.
M.Quân - L.Nguyên