Thông tin này chính thức được công bố trong Hội thảo Báo cáo cập nhật nghèo 2006: Nghèo và giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 1993 - 2004 do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 17-3.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì, xây dựng báo cáo cập nhật nghèo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách của Việt Nam, sự trợ giúp kỹ thuật của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới. Trong 10 năm (1993 - 2004), thành tựu lớn nhất Việt Nam đạt được là tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 19,5% năm 2004. Có được tốc độ này là nhờ Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách, tăng trưởng kinh tế nhanh, tăng di chuyển lao động theo địa lý và ngành nghề, chi tiêu công đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mẫu hình tăng trưởng có lợi cho người nghèo. Tuy nhiên, chênh lệch về tỷ lệ hộ nghèo, khoảng cách nghèo ở thành thị và nông thôn vẫn lớn (3,6% ở thành thị và 25% ở nông thôn).
Trong giai đoạn 2006 - 2010, để duy trì tốc độ giảm nghèo, theo các chuyên gia: Trước mắt và trong trung hạn, Việt Nam cần phải kết hợp việc đẩy mạnh cải cách hướng tới thị trường nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Thông qua đó, cải thiện chất lượng tăng trưởng và tăng cường sự tham gia của người nghèo vào quá trình tăng trưởng.
Cải cách và củng cố hệ thống bảo hiểm và bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ những người nghèo và dễ bị tổn thương từ các tác động bất lợi trong bối cảnh cải cách và đẩy mạnh hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Thực hiện chi tiêu công theo hướng tăng tính có lợi cho người nghèo và người có thu nhập thấp. Đưa ra các biện pháp, sáng kiến trợ giúp mới nhằm giải quyết các nhu cầu đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số và có những biện pháp giúp tránh sự hình thành các hình thái nghèo mới.
T.T.X.