
Sau khi Báo SGGP đăng bài “Nóng bỏng chuyện tách thửa”, nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại hoan nghênh và góp ý bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu quy định về tách thửa chỉ là một khoảng trống trong khá nhiều khoảng trống về pháp lý đối với lĩnh vực xây dựng. Trở lại những địa phương mà chúng tôi đã thực hiện bài viết thì rõ ràng những ý kiến trên là có cơ sở.
Trách nhiệm với cộng đồng, ai chịu?
Kể về 4 hộ dân khi tách thửa đã tự nguyện chấp thuận yêu cầu của quận, dành khoảng 40% diện tích đất cho các công trình công cộng như đường, cây xanh…, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Tân Phú cho biết, đó là những người dân chấp hành tốt quy định của nhà nước, khi chuyển quyền sử dụng đất hoặc tách thửa đất đều xin phép chính quyền.
Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng vậy. Hiện nay, trung bình mỗi ngày ở Tân Phú có khoảng 10 trường hợp xin tách thửa, nhưng chỉ có 4 hộ ít ỏi nêu trên chấp thuận yêu cầu của quận, đó là một minh chứng. Quận đã phải yêu cầu các phòng công chứng của quận khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có kèm xin tách thửa phải có ý kiến về quy hoạch của quận.
Tất nhiên, điều này có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng rõ ràng nếu để người dân tự do tách thửa theo ý của mình mà hoàn toàn không có trách nhiệm với cộng đồng thì không biết bộ mặt đô thị trong tương lai sẽ như thế nào. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn thi hành luật, người dân sống trong đô thị phải được đảm bảo 3m2 cây xanh/người, 6m2 trường học/người… cùng khoảng 20% diện tích đất dành cho giao thông.
Nếu người dân tách thửa không có nghĩa vụ đóng góp đất để thực hiện những chỉ tiêu ấy thì gánh nặng này sẽ đổ vào nhà nước, cộng đồng. Liệu nhà nước có đủ ngân sách để chi cho những khoản ấy? Do đó, theo bà Khuê, bên cạnh quy định về tách thửa, nhà nước cũng nên nói rõ hơn về trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng khi thực hiện việc này.

Một khu đất tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Trường hợp xảy ra ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nơi “người môi giới đất” đứng ra thu mua cả một diện tích đất lớn, tự tách thửa rồi bán “giấy tay” cho thấy: khi việc mua bán hoàn tất, người môi giới bán đất đi mất thì chỉ còn lại người dân địa phương cùng người mua đất đối mặt với các vấn đề về môi trường như thiếu đường đi, cây xanh, hệ thống cấp - thoát nước…
Anh Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A đã từng than thở: Người bán đất chẳng mấy ai giàu, người phải mua đất bằng giấy tay như thế chắc chắn cũng không có tiền dư. Chính quyền xã thì kinh phí hạn hẹp. Cả ba bên đều “nghèo” mà phải giải quyết chuyện đầu tư hạ tầng: cây xanh, hệ thống cấp-thoát nước, đường giao thông… là điều không ổn.
Do vậy, nguy cơ nhiều khu dân cư mới hình thành từ tách thửa tự phát trở thành các khu ổ chuột là rất lớn, nếu ngành chức năng không sớm nhận ra trách nhiệm của mình đối với người dân để có phương cách giải quyết.
Bài toán về quy hoạch
Thực tế gần 20 năm phát triển các khu công nghiệp-khu chế xuất (KCN-KCX) cho thấy, gần các khu vực này bao giờ cũng có các khu dân cư mọc lên cho dù trước đó nơi đây có thể chỉ là đồng hoang. KCN-KCX thu hút một lượng lớn lao động nên người dân tụ về đây làm việc, sinh sống cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, cách đây vài năm, bên cạnh các KCN-KCX gần như chưa bao giờ có được một khu dân cư quy hoạch, thiết kế và tạo điều kiện phát triển một cách bài bản. Hầu hết các khu dân cư mọc gần các KCN-KCX đều tự phát và điều này đã nảy sinh ra hàng loạt vấn đề trong quản lý đô thị. Khu vực các xã Vĩnh Lộc A, B của huyện Bình Chánh là một ví dụ thực tế.
Ngoài chuyện tách thửa lam nham, nơi đây còn xây dựng một cách hết sức hỗn tạp: nhà cao, nhà thấp, nhà to, nhà nhỏ, nhà xanh, nhà đỏ… đủ cả và không hề theo một quy chuẩn nào. Vĩnh Lộc vốn là vùng đất nông nghiệp, đất rộng, nếu ngành chức năng nhìn nhận được xu hướng phát triển của nó từ cách đây vài năm và kịp thời lập quy hoạch, cũng như đưa ra những quy định về xây dựng phù hợp thì có lẽ thành phố đã có được một khu đô thị mới khang trang.
Chuyện ở Vĩnh Lộc A, B đã là quá khứ, nhưng tính thời sự của nó cho những vùng đất mới đang công nghiệp hóa vẫn nóng hổi.
Không chỉ cần có quy hoạch mà ở nhiều địa phương còn cần rất nhiều các quy định đi kèm với quy hoạch, giúp thực hiện quy hoạch tốt hơn. Điển hình như ở huyện Củ Chi mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước. Hiện nay Củ Chi đã có gần đủ các đồ án quy hoạch. Thế nhưng, bao giờ thực hiện điều đó thì không ai trả lời được.
Trong khi nhu cầu của người dân về xây dựng nhà cửa, tách thửa đất để mua bán, thừa kế là rất lớn, mà việc tách thửa lại hoàn toàn phụ thuộc vào quy hoạch. Ví dụ, nếu quy hoạch là nhà biệt thự thì diện tích được tách thửa không thể nhỏ.
Theo anh Hồ Văn Dũng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, hiện nay người dân trên địa bàn rất bức xúc về việc không cho tách thửa trong các dự án quy hoạch chi tiết của huyện, mà các đồ án này chiếm trên 2.000ha rải đều ở các xã và thị trấn của huyện. Đây là một bài toán đang rất cần lời giải.
NGUYỄN KHOA - QUANG ĐẠT