Vlog của người trẻ ngày càng nhạt

Gần đây, dư luận sốt xình xịch bởi Bà Tân Vlog - một phụ nữ lớn tuổi, với hàng loạt clip bày cách tạo ra món ăn “khủng”. Người ta thích Bà Tân Vlog bởi sự ngồ ngộ, quê mùa và… không đụng hàng. Từ vài năm trước, Vlog (nhật ký cá nhân bằng video) từng tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Nhưng nay, Vlog đã thoái trào.
Những cái tên trong giới Vlogger từng thu hút hàng triệu người trẻ theo dõi
Bước đệm vào showbiz

Có thể nói, thời điểm tham gia Vlog không mấy Vlogger đặt mục tiêu cho tương lai. Song khi có sẵn lượng khán giả hùng hậu, không ít Vlogger (người làm Vlog) đã “bẻ lái” sang con đường nghệ thuật. Bởi vậy mà chẳng bất ngờ khi An Nguy, một du học sinh ngành quản trị khách sạn tại Mỹ bỗng trở thành một nhân tố góp phần cho “The Face” (Gương mặt thương hiệu) mùa đầu tiên nổi như cồn trên sóng truyền hình cũng như trên mặt báo. Không ít người trẻ khẳng định, họ xem “The Face” vì có An Nguy. Không thể phủ nhận, Vlog đã tạo cơ hội cho An Nguy tiếp tục góp mặt trong một số trò chơi thực tế và một số bộ phim cô tham gia sau này.

Tương tự, Vlogger Phở Đặc Biệt cũng kịp lấn sân sang điện ảnh với một số vai diễn trong các bộ phim sitcom, phim điện ảnh và làm MC một số chương trình. Giới trẻ cũng không lấy làm lạ khi Vlogger Huyme “mất tích” trên sân chơi Vlog, bỗng trở lại với một vai diễn trong bộ phim Siêu trộm còn Jvevermind lại tung ra sản phẩm âm nhạc. 

Cũng từ xu hướng của Vlogger mà khi YouTube phát triển mạnh mẽ, không ít người đã ôm mộng lấn sân sang nghệ thuật bằng những clip “cây nhà lá vườn” bất chấp nội dung hay - dở. Tuy nhiên, chỉ có mộng mà không có tài nên họ khó lòng trụ lại trong môi trường mà sự nổi tiếng như bọt xà bông, chóng phồng rồi cũng chóng tan. Đơn cử như hotgirl Huyền Anh, Lệ Rơi đã từng mất nhiều năm loay hoay trong mớ hỗn độn của sự nổi tiếng theo xu hướng ngược, để rồi cuối cùng phải ngậm ngùi lùi về với cuộc sống thực tại.

Nói như vậy để thấy, ánh hào quang của showbiz quá lớn và phải chăng, cánh cửa để bước vào thế giới ấy tương đối rộng nên mới có những câu chuyện như vậy. Cũng bởi nhiều chương trình hiện nay kịch bản nhạt và nhảm nên đã không ngại huy động đội ngũ “triệu view” của cư dân mạng, bất chấp những view ấy đến từ đâu, bằng tài năng thực sự hay chỉ là màn chiêu trò lôi kéo đám đông. Song vào thì dễ nhưng ở lại được bao lâu mới là chuyện cần bàn, bởi khi không có tài năng thực sự, chiêu trò cũng chỉ là biện pháp tình thế để kéo khán giả mà thôi.

Sự thoái trào của Vlog

Đỉnh cao của Vlog là khoảng những năm 2011-2014, thời YouTube chưa quá nhiều kênh giải trí thì đây là “món ăn” tinh thần mà nhiều người trẻ mong đợi. Vlog dễ làm nhưng để có dấu ấn riêng trong lòng người xem lại không hề dễ. Vlog không phải dàn dựng, không hóa trang hay đòi hỏi phải có kịch bản, diễn xuất, Vlog đơn giản là những chia sẻ về quan điểm, tự sự của cá nhân đối với các vấn đề đã hoặc đang xảy ra trong đời sống xã hội được mọi người quan tâm. Thay bằng thể hiện qua chữ viết một cách văn vẻ thì Vlogger nói rồi quay lại và đưa lên YouTube cho mọi người xem. 

Mỗi người một thế mạnh, có Vlogger mạnh về các trải nghiệm trong tình yêu; có người lại am hiểu về cách cư xử trong quan hệ gia đình, bạn bè, nhà trường; người lại rành xử lý những khúc mắc trong chuyện học hành, thi cử, du học hay những ứng xử nhỏ nhặt hàng ngày; thậm chí là cả những quan điểm về kinh tế, văn hóa… nhưng chung quy khi “lên sóng”, Vlogger phải dí dỏm, độc lạ, thông minh thì mới mong có độc giả. 

Một số người nhận định, Vlogger cũng có thời, có độc giả riêng nên “tuổi thọ” không cao. Phân tích điều này, Vlogger Phạm Duy Toàn cho rằng, để đồng quan điểm, đồng suy nghĩ thì phải đồng trang lứa. “Rõ ràng, nếu chia sẻ quan điểm về một vấn đề nào đó với người nhỏ hơn nhiều, họ sẽ không hiểu, mà với người lớn tuổi hơn có khác nào “múa rìu qua mắt thợ”. Trong khi đó, thế hệ trẻ ngày nay có quá nhiều mối bận tâm và vô vàn những thứ hấp dẫn từ mạng xã hội, từ YouTube nên thú vui xem Vlog như 5, 7 năm về trước nay không còn”, Duy Toàn nhận định.

Song nếu từng theo dõi Vlog của vài năm trước thì dễ dàng nhận ra Vlog hiện nhạt dần là bởi không có “chiến binh tinh nhuệ”, nghĩa là những sản phẩm được tung ra không hội đủ những yếu tố thông minh, dí dỏm, hài hước hoặc thiếu sự bao quát về vấn đề được chia sẻ. 

Dù lý do gì đi chăng nữa, Vlog cũng đã từng là một trào lưu ý nghĩa đối với giới trẻ một thời, là diễn đàn để người trẻ bày tỏ suy nghĩ, nói lên quan điểm của mình về một vấn đề nào đó trong xã hội. Ít nhiều những thông điệp đi ra từ các Vlog đã có sức lan tỏa và góp phần định hướng cho người trẻ, bởi vậy không ít người tiếc nuối khi Vlog ngày càng nhạt dần trong kho thông tin, giải trí của người trẻ.

Tin cùng chuyên mục