“Vỡ trận” lễ hội cướp phết ở Hiền Quan

“Vỡ trận” lễ hội cướp phết ở Hiền Quan

Năm nay, hội cướp phết ở Hiền Quan, Phú Thọ diễn ra trong hai ngày 8 và 9-2 (tức 12 và 13 tháng Giêng âm lịch). Ban tổ chức lễ hội huy động thanh niên trong các khu dân cư của xã Hiền Quan tham gia đánh phết gồm 2 đội giáp thượng và giáp hạ, mỗi đội 50 người, thắt đai xanh và đỏ để phân biệt.

Bãi đánh phết được ban tổ chức lễ hội cắm cây nêu và dải băng giới hạn. Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự lễ hội đã xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác an ninh trật tự, phân luồng giao thông; trông giữ phương tiện của nhân dân, du khách. Song, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, chiều 9-2, ngày thứ hai của lễ hội, chỉ vài phút sau khi quả phết đầu tiên được tung ra thì nghi lễ cướp phết đã vỡ trận, khi hàng trăm thanh niên ào ào vượt rào, vượt ruộng… đổ xô vào khu vực cướp phết trước sự bất lực của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự.

Cảnh cướp phết ở Hiền Quan

Anh Nguyễn Văn Lê, người Phú Thọ cho biết, những năm trước nghi lễ cướp phết được thực hiện ở bãi bồi ven sông, nhưng năm nay bãi bị sạt lở, nên chuyển vào trong ruộng. Chỗ thực hiện nghi lễ vì thế cũng bị hạn chế, người xem cũng không có chỗ đứng xem, nên phải đứng ken chặt trên bờ đê. Thậm chí có mấy cậu trai trẻ còn leo lên cột điện để xem được rõ hơn.

Nếu người xem hội phải chen chúc đến chực rớt xuống ruộng, thì dưới trung tâm của đám cướp phết, không khí vô cùng nóng bỏng với tiếng la ó, hò reo mỗi khi quả phết được tung lên. Những cánh tay giơ cao, rất nhiều thanh niên trèo lên đầu, cưỡi cổ nhau xông vào giữa để cướp phết. Mỗi khi quả phết được đưa đẩy về phía nào, phía đó lập tức tăng thêm số lượng người tham gia tranh cướp. Quả phết không chỉ được tranh cướp trên ruộng trong khu vực quy định mà khi bị đưa đẩy xuống ao bèo, hàng trăm thanh niên không ngại lạnh, ướt lao xuống để tranh cướp… Tuy nhiên, điểm nóng nhất của nghi lễ chính là khi màn cướp phết kết thúc và 3 quả chúi (một vật cũng được xem đem lại may mắn giống như phết) tiếp tục được tung ra khiến đám đông càng hỗn loạn. Phần cướp chúi không diễn ra ở dưới ruộng mà đã chạy lên đường nhựa khiến đám đông ào ào lao theo, xô đổ mọi thứ trên đường, lao cả vào những người xem hội.

Hội cướp phết ở Hiền Quan kết thúc khi trời xẩm tối và để lại “chiến trường” là một bãi đất tan hoang, hàng quán bị xô đổ và rất nhiều người bị xây xước, chảy máu. Trước thực tế này, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đề xuất lấy ý kiến các nhà khoa học, nhân dân về việc có quy định, có “luật” cho việc cướp phết.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục