LTS: Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn thờ ơ, “án binh bất động”. Điều kiện cho vay cao, sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều…đang là rào cản của hầu hết doanh nghiệp. Nếu sớm giải quyết những bức xúc này, nền kinh tế mới có thể vượt khó.
Gần đây, các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất tiền gửi đã đưa lãi suất cho vay về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đi vay, trong khi ngân hàng đang ráo riết tìm khách hàng.
Ách tắc đầu ra
Giữa trung tuần tháng 5, sau khi các ngân hàng (NH) đua nhau hạ lãi suất, đoàn công tác của UBND quận Tân Phú do Phó Chủ tịch Phạm Hưng Út cùng tổ cán bộ Ngân hàng Vietinbank đã đến một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhằm tạo cầu nối để các bên kết nối với nhau.
Đã gần 10 giờ sáng, nhưng tại trung tâm kim khí điện máy An Khang Đầm Sen trên đường Âu Cơ vẫn không một bóng khách hàng. Trong khi đó, trung tâm điện máy rộng cả ngàn mét vuông đèn vẫn sáng trưng, máy lạnh hoạt động bình thường, cửa cổng khép hờ. Hàng chục nhân viên bán hàng vẫn có mặt tại đây để vừa bán hàng vừa làm công việc vệ sinh, sắp xếp lại các hàng hóa trên kệ. “Các anh thấy đó, đến giờ này mà trung tâm vẫn chưa có khách tới mở hàng.
Gần đây, ngành điện máy giảm nhiều, riêng khách hàng An Khang giảm đến 50%. Trong khi đó, các chi phí điện, nước, nhân viên...vẫn phải duy trì. Do đó, thời điểm này trung tâm chỉ bán cầm cự chứ không nghĩ đến việc có lời. Để tiết kiệm, chúng tôi vừa thiết kế lại cửa cổng, chứ trước đây mở rộng cửa để khách hàng vào ra thuận tiện” - ông Trần Đình Lưu Phong, Giám đốc khu vực An Khang Đầm Sen, vừa dẫn đoàn ra cửa vừa cho biết.
Ngành điện máy nói riêng, ngành bán lẻ nói chung đang ở trong tình trạng tương tự. Theo ông Phong, hiện nay một sản phẩm điện máy chỉ lời khoảng 3%. Đơn cử, một sản phẩm ti vi có giá 7 triệu đồng chỉ lời trên dưới 200.000 đồng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hiện nay hàng không thể bán dẫn đến tồn kho nên không có vốn xoay vòng. Trong khi đó, phía nhà sản xuất chỉ giao hàng khi nhà bán lẻ có tiền mặt.
“Để chia sẻ, nhà sản xuất cũng đã hỗ trợ bằng cách tung hàng khuyến mãi, tăng chiết khấu cho các nhà bán lẻ. Nhưng với sức mua như hiện nay, kể cả khuyến mãi vẫn không có người mua. Do vậy, cái vòng luẩn quẩn: muốn có tiền, nhận hàng mới phải bán được hàng, trong khi đầu ra lại bế tắc...” - ông Phong giải thích.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phan Thị Thắng cho biết, trên địa bàn quận phần lớn là DN vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra cho nhiều sản phẩm của các DN không thuận lợi. Còn trong quá trình kết nối hướng dẫn để những DN có nhu cầu vay vốn lại vấp phải những khó khăn về điều kiện đảm bảo hay các NH trên địa bàn đưa ra gói tín dụng hỗ trợ lãi thấp còn hạn chế. Từ đó, khiến tâm lý của DN không mặn mà với việc tiếp cận vốn NH, ngay cả khi lãi suất đang xuống thấp.
Không dễ vay
Đến thời điểm này, hầu hết NH đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Như vậy, với các lần điều chỉnh, lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước mức kỷ lục là 1,5%/năm.
Một số NH như Vietcombank cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn còn khoảng 10,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm. Thậm chí, lãi suất ưu đãi tại NH này chỉ còn 7,5%/năm... Dù vậy, trên thực tế để tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp như NH công bố thật không dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Xuân Thắng, chuyên gia công cơ khí ở quận 12, cho biết đến thời điểm này ông vẫn đang nợ NH 20 tỷ đồng với lãi suất vẫn ở ngưỡng 16%/năm cho khoản vay trung hạn. Trong khi đó, tại huyện Hóc Môn ông có một nhà xưởng rộng gần 1.000m2, đầu tư máy móc, nhà xưởng trị giá khoảng 30 tỷ đồng trên đất thuê lại không được NH cho vay. “NH trả lời do công ty thuê đất lại của tư nhân nên không có quyền định đoạt, do đó tài sản đầu tư trên đó cũng không được định giá để cho vay thế chấp” - ông Thắng nói.
Một cán bộ NH Kiên Long cho biết, hiện nay phần lớn NH khi cho vay chỉ nhìn vào giấy tờ chủ quyền nhà, còn đối với tài sản như nhà xưởng, máy móc của DN đầu tư thì không xem xét hoặc bị định giá rất thấp. Bởi nếu DN làm ăn thất bát, không trả được nợ NH, đến lúc đó phát mãi giá thấp cũng chẳng ai mua!
Theo phản ánh của các DN trong lĩnh vực sản xuất sắt thép, cơ khí, gỗ, nội thất... mức lãi suất họ đang phải chịu 14% - 16%/năm là quá cao so với sức chịu đựng ở thời điểm này của các đơn vị. Các DN có nguồn hàng, mới bước vào sản xuất cần vốn hoặc gặp khó khăn về vốn lại không đáp ứng được yêu cầu cho vay của NH. Muốn vay được nguồn vốn lớn, thông thường DN phải có nguồn tài sản thế chấp gấp 3 lần mức vay, ngoài ra DN phải chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Trong khi nhiều đơn vị sản xuất giờ chỉ cầm cự và chờ cơ hội nên đánh giá đúng thực tế thì chắc chắn NH sẽ không cho vay.
Chưa kể, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tín dụng của các NH lo lắng, sợ phát sinh nợ xấu trong quá trình cho vay nên rụt rè khi quyết định các phương án cho vay, khiến nhiều DN nhỏ càng lâm vào tình trạng không vay được vốn. Do đó, đến nay dù lãi suất có hạ nhiệt nhưng giữa NH và DN vẫn chưa thể gặp nhau.
LẠC PHONG