Vòng chung kết khu vực ĐBSCL cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” - “Nghĩ về lúa gạo trong đời sống dân tộc Việt Nam”

“Trong cuộc sống, khi nói đến cái đẹp, ông bà ta thường so sánh “em xinh là xinh như cây lúa”, nói tới sức mạnh thì ví von “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nói tới những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì có “cơm áo gạo tiền”, bữa ăn cũng được gọi chung là “bữa cơm” và ngày tết cúng tổ tiên ông bà cũng làm một mâm cơm cúng. Từ những gợi ý trên, hãy trình bày suy nghĩ của em về lúa gạo trong đời sống dân tộc Việt Nam”.
Vòng chung kết khu vực ĐBSCL cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” - “Nghĩ về lúa gạo trong đời sống dân tộc Việt Nam”

(SGGP). – “Trong cuộc sống, khi nói đến cái đẹp, ông bà ta thường so sánh “em xinh là xinh như cây lúa”, nói tới sức mạnh thì ví von “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nói tới những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì có “cơm áo gạo tiền”, bữa ăn cũng được gọi chung là “bữa cơm” và ngày tết cúng tổ tiên ông bà cũng làm một mâm cơm cúng. Từ những gợi ý trên, hãy trình bày suy nghĩ của em về lúa gạo trong đời sống dân tộc Việt Nam”. 

Đó là đề thi vòng chung kết khu vực đồng bằng sông Cửu Long của cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần thứ 10 diễn ra vào ngày 8-12 tại tỉnh Hậu Giang. Đề thi thuộc dạng nghị luận xã hội do Báo SGGP ra.

Thí sinh dự thi vòng chung kết cuộc thi "Prudential - Văn hay chữ tốt" khu vực ĐBSCL năm 2009. Ảnh: Mai Hải
Thí sinh dự thi vòng chung kết cuộc thi "Prudential - Văn hay chữ tốt" khu vực ĐBSCL năm 2009. Ảnh: Mai Hải

Theo nhận định của các giáo viên và thí sinh (TS), đề thi năm nay hay, gần gũi với cuộc sống của TS ở vùng “vựa lúa” phương Nam trù phú. Với đề tài “thuận tay”, bài viết của TS sẽ là những cảm nhận thú vị, sâu sắc, chân phương về hạt lúa, hạt gạo của miền quê vùng sông nước trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của đất nước. 
  
Cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần thứ 10 do Báo SGGP phối hợp với 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam. Cuộc thi quy tụ 39 TS làm bài trong 120 phút. Năm nay, Sóc Trăng là tỉnh có thành phần dự thi đặc biệt với 3 thí sinh nam đại diện cho 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, trong đó có em  Triệu Đoan An là TS nhỏ tuổi nhất cuộc thi (12 tuổi). Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng có 3 TS đến từ Trường THCS Lê Ngọc Hân – đơn vị liên tục dành nhiều thứ hạng cao của cuộc thi trong những năm trước.

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hậu Giang nhấn mạnh: Cuộc thi đã trở thành nơi giao lưu, học hỏi của những TS xuất sắc cấp THCS. Tôi tin tưởng rằng việc rèn văn, luyện chữ cũng sẽ được các trường quan tâm mạnh mẽ hơn, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách tốt đẹp cho các TS.

Hôm nay, 9-12, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả cuộc thi và trao giải cho các TS đoạt giải (được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH Hậu Giang).

Hg.Liên

Tin cùng chuyên mục