Trong khi nguyên nhân gây tử vong của 3 sản phụ và thai nhi tại Hưng Yên, Bắc Ninh và Quảng Ngãi chưa có kết quả cuối cùng thì ngày 29-4, tại TPHCM lại xảy ra một trường hợp sản phụ và thai nhi tử vong ngay tại bệnh viện trong lúc sinh. Sự việc xảy ra dồn dập, liên tục khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Bác sĩ xử lý chậm?
|
Ngày 30-4, căn nhà nhỏ của sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (SN 1982, ngụ ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) trở nên chật chội vì một lúc phải chứa 2 chiếc quan tài. Một của chị Thu và một của cháu Trần Minh Nghĩa. Hàng trăm người dân xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM đến thăm hỏi và chia buồn cùng gia đình đã không cầm được nước mắt khi cháu Trần Minh Hiếu (4 tuổi) chốc chốc chạy tới ngó vào quan tài rồi chạy ra sà vào lòng anh Trần Minh Công (chồng chị Thu) hỏi “mẹ và em chừng nào ngủ dậy vậy ba?”.
Được biết, do có BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn nên từ khi mang thai đến nay, anh Công thường chở vợ đến bệnh viện khám định kỳ. Ngày 25-4, khi đến khám, bác sĩ yêu cầu chị Thu nhập viện theo dõi.
Đến ngày 28-4, sức khỏe chị Thu bình thường, cổ tử cung mở 2 phân. Bác sĩ cho tiến hành biện pháp “dục sinh” nhưng chị Thu vẫn chưa sinh được, nên tạm ngưng. Đến ngày 29-4, sau khi dùng biện pháp dục sinh lần nữa thì đến khoảng 13 giờ 30 phút ngày 29-4, chị Thu được chuyển vào phòng sinh thường. 40 phút sau, lúc gia đình anh Công đang chờ đợi tin vui thì cũng là lúc bác sĩ đã tới yêu cầu người nhà vào chuyển chị Thu sang phòng mổ. “Lúc này, vợ tôi đã ngất xỉu, môi tím nhạt, riêng em bé đã nhú đầu ra. Chuyển sang phòng mổ được khoảng 1 tiếng, thì chúng tôi được thông báo: con tôi đã tử vong, vợ tôi đang trong tình trạng nguy kịch. Khoảng 17 giờ cùng ngày, chúng tôi lại được báo tin vợ tôi cũng không qua khỏi. Vì sao vợ tôi than đau và có dấu hiệu sinh khó nhưng bác sĩ lại không cho chuyển viện hay mổ đẻ? Thậm chí khi vợ tôi khó sinh nhưng bác sĩ lại để nằm sinh thường tới 40 phút sau mới chuyển sang phòng mổ. Thời gian nằm theo dõi và chờ sinh tại bệnh viện tới 4 ngày là quá lâu. Nếu bác sĩ tiên lượng tốt thì đâu đến mức này….” anh Công đau đớn cho biết.
Sẽ kiểm điểm nghiêm túc
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Văn Thạnh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi không cứu được mẹ con chị Thu. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực hết sức để cứu chữa. Hôm đó, tại khoa sản chúng tôi có bác sĩ sản chuyên khoa 1, cùng phối hợp với êkíp gây mê hồi sức… thậm chí chúng tôi cũng đã gọi điện thoại nhờ bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương hội chẩn khẩn cấp và đưa người xuống hỗ trợ nhưng không cứu được sản phụ. Việc chúng tôi không chỉ định mổ vì muốn sản phụ sinh thường sẽ tốt hơn cho cả sản phụ lẫn cháu bé nhằm tránh những nguy cơ, biến chứng do sinh mổ gây ra”.
Theo bác sĩ Thạnh, trong trường hợp này thai nhi nặng 3,4kg và quá trình bệnh nhân vào nhập viện luôn được bác sĩ theo dõi sát sao và không có biểu hiện cho thấy bất thường. Lúc 13 giờ 35 phút ngày 29-4 khi sản phụ có dấu hiệu gần sinh các bác sĩ đã cho nhập phòng sinh. Sau 20 phút cho bệnh nhân sinh thường nhưng không được (tức từ 13 giờ 35 phút đến 13 giờ 55 phút) đã cho chuyển sang phòng mổ nhưng không kịp cứu cả cháu bé lẫn mẹ. Nguyên nhân ban đầu có thể là do thuyên tắc ối (theo y văn thế giới đây một biến chứng hiếm gặp trong sản khoa nhưng nguy cơ gây tử vong rất cao) trong 7 năm hoạt động thì đây là trường hợp sản phụ tử vong đầu tiên ở bệnh viện.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ban giám đốc bệnh viện đã kiểm thảo, rà soát lại quy trình, thái độ y bác sĩ nhưng chưa phát hiện ra vấn đề tắc trách. Bệnh viện đang chờ kết luận nguyên nhân tử vong từ kết quả giám định pháp y y tế và đánh giá của hội đồng khoa học Sở Y tế TPHCM để từ đó có hướng xử lý. Được biết, sau sự cố đáng tiếc này, bệnh viện cũng đã cử đoàn đến thăm hỏi và chia sẻ với gia đình bệnh nhân.
Việc liên tiếp xảy ra sản phụ tử vong khi sinh tại bệnh viện đa khoa tỉnh, đã làm dấy lên lo ngại của các bệnh nhân về trình độ và khả năng xử lý chuyên môn của các y, bác sĩ. Trao đổi với PV Báo SGGP, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM chia sẻ: “Tôi vô cùng thông cảm và xin chia sẻ với gia đình những sản phụ kém may mắn.
Tuy nhiên, nếu người nhà sản phụ đau một thì tôi nghĩ các y bác sĩ trực tiếp trong ca sinh nở kia đau mười. Thực tế cho thấy, trong một ca sinh thường hay sinh mổ không ai có thể nói trước sẽ chắc chắn thành công. Vẫn có thể có những điều xảy ra ngoài ý muốn mà bác sĩ không thể tiên lượng trước được”. Bác sĩ Trần Ngọc Hải cũng cho hay, trong y tế, ngành sản là tử vong nhiều nhất. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Anh tỷ lệ sản phụ chết là 4/100.000 người. Ở Việt Nam, đầu thập niên 80, số phụ nữ qua đời trong lúc vượt cạn lên tới 250/100.000 ca. Còn hiện nay, con số tử vong vẫn còn ở mức 75/100.000 ca.
Tiến Đạt