Hãng AFP ngày 20-3 đưa tin Pháp đã mở chiến dịch truy tìm thủ phạm xả súng tại Trường Ozar Hatorah của người Do Thái ở Toulouse làm 4 người thiệt mạng một ngày trước đó. TP phía Tây Nam nước Pháp cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cấp cao nhất về khủng bố.
Báo động đỏ về khủng bố
Theo AFP, đây là vụ thảm sát thứ 3 tại Toulouse trong vòng 8 ngày qua. Nạn nhân đầu tiên là một lính dù gốc Bắc Phi bị bắn chết hôm 11-3. 4 ngày sau, một kẻ giết người máu lạnh đã giết thêm 2 binh sĩ gốc Bắc Phi, làm bị thương 1 lính ở khu vực đơn vị quân đội đồn trú tại thị trấn Montauban. Một nhân chứng nhìn thấy hung thủ đội nón bảo hiểm gắn lưỡi trai trong vụ thảm sát thứ 2.
Kết quả xét nghiệm cho thấy đạn sử dụng trong 2 vụ đầu tiên được bắn ra từ một khẩu súng. Tuy nhiên, một công tố viên tòa án Toulouse nhận định còn quá sớm để có thể liên hệ giữa 3 vụ này. Ngay sau vụ thảm sát đẫm máu, chính quyền Pháp tăng cường an ninh tại các trường Do Thái và đạo Hồi. Tổng thống Pháp đã tuyên bố báo động đỏ về khủng bố tại vùng Midi-Pyrenees.
Các nạn nhân trong vụ tấn công thứ 3 này đều là công dân mang quốc tịch kép Pháp-Israel. Theo một số nhân chứng, Rabbi Jonathan Sandler, 30 tuổi, cha của 2 bé Arieh, 5 tuổi; Gabriel, 4 tuổi đã chết sau khi cố gắng làm lá chắn sống cho các con. Tuy nhiên, 2 bé cũng không thoát khỏi họng súng tử thần.
Nạn nhân còn lại là Miriam Monsonego, 7 tuổi, con gái của Hiệu trưởng Trường Ozar Hatorah. Cũng theo các nhân chứng, hung thủ đội nón trùm kín mặt, dường như rất điềm tĩnh, đưa xe cẩn thận vào bãi đỗ xe trước khi thực hiện vụ xả súng.
Hiện quân đội Pháp tuần tra trên nhiều đường phố, nhà ga cũng như những địa điểm đông người khác ở Tây Nam nước Pháp. Bộ Nội vụ Pháp yêu cầu toàn bộ lực lượng cảnh sát trên cả nước Pháp tăng cường bảo vệ các tổ chức của người Do Thái. Các nhà điều tra Pháp đang tập trung theo 2 hướng: các vụ xả súng có thể là hành động của một phần tử Hồi giáo cực đoan hoặc của một phần tử cực hữu.
Tuy nhiên, các giả thuyết khác cũng được xem xét. 130 sĩ quan cảnh sát tư pháp Pháp đã nhập cuộc với sự hỗ trợ của các nhân viên thuộc Tổng cục Tình báo nội địa Pháp (DCRI) để truy tìm kẻ sát nhân đi xe Scooter. Lúc 0 giờ 15 ngày 21-3 (giờ Việt Nam), hãng AFP đưa tin các điều tra viên của Pháp sau khi lấy lời khai của một số nhân chứng cho biết, hung thủ đã đeo máy quay trong khi thực hiện vụ thảm sát.
Dư luận quốc tế lên án
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố các trường học trên cả nước dành một phút mặc niệm các nạn nhân vào lúc 11 giờ (giờ địa phương). Ông Sarkozy và ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande đều ngưng chương trình vận động tranh cử để đến Toulouse chia buồn với thân nhân và cộng đồng Do Thái.
Bà Marine Le Pen, ứng cử viên của Mặt trận Quốc gia cũng yêu cầu Đài truyền hình Pháp France 2 hủy bỏ chương trình tranh luận mà bà là khách mời vào tối 19-3. Bà Le Pen cho biết: “Trái tim dân tộc Pháp bị tổn thương”.
Israel đã phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi vụ thảm sát là “hành động đáng khinh bỉ”. Trong khi đó, người phát ngôn của LHQ, Martin Nesirky, cho biết Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon rất đau lòng vì thảm kịch trên và lên án mạnh mẽ hành động này.
Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia cho biết, Mỹ lên án vụ tấn công vô nhân đạo và cho hay cảnh sát TP New York đã tăng cường an ninh xung quanh các thánh đường và các trung tâm nghiên cứu của người Do Thái.
Thủ tướng Italia Mario Monti nhấn mạnh bài Do Thái, bài ngoại, là những hành vi đi ngược lại các giá trị chuẩn mực của con người. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle thì cho rằng bài người Do Thái và bạo lực không thể tồn tại trên đất châu Âu. Các quốc gia như Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển… đều cực lực lên án vụ giết người man rợ này.
Central Consistory, một cơ quan đại diện cho cộng đồng người Do Thái tại Pháp, cho biết thi thể của các nạn nhân có thể sẽ được đưa về Israel từ sân bay Charles de Gaulle (Paris) vào lúc 23 giờ (giờ Pháp) đêm 20-3. |
ĐỖ VĂN (tổng hợp)